Nghiên cứu phim và Hướng dẫn viết về phim


1. Dự án Điện ảnh của trường đại học KHXH&NV Hà Nội vừa ra mắt hai cuốn sách về điện ảnh: Nghiên cứu phim của Warren Buckland (Phạm Ninh Giang dịch) và Hướng dẫn viết về phim của Timothy Corrigan (Đặng Nam Thắng dịch). Cả hai kề cận nhau – quí I, II năm 2011 và đều mang giấy khai sinh Nxb Tri Thức. Trước đó, vào năm 2008, cũng chính Dự án Điện ảnh đã giới thiệu hai cuốn giáo trình Lịch sử điện ảnh Nghệ thuật điện ảnh rất được giới học thuật đánh giá cao.

2. Nghiên cứu phim, trước hết, là cách thức “tiếp cận tác phẩm điện ảnh từ bên trong”. Bởi vậy, tác giả không chủ trương tích lũy thông tin về phim, đạo diễn, sự kiện vốn là thứ ghi chép thụ động mà chỉ lựa chọn những vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc nghiên cứu điện ảnh nhằm kích hoạt khả năng biện luận, phân tích của người xem thay vì chỉ trình bày ấn tượng cảm tính. Những vấn đề đó, theo cuốn sách, vừa mang tính lí thuyết như mỹ học điện ảnh, cấu trúc tự sự, thuyết tác giả, thể loại… vừa mang tính lĩnh hội như điểm phim. Tiếp cận bên trong nhấn mạnh tính thi pháp học điện ảnh, chỉ ra bản chất nội tại của điện ảnh được thể hiện như thế nào trong từng tác phẩm cụ thể. Tuy nhiên, không thể cứng nhắc ở công cụ lí thuyết cố định mà cần thiết phải tham chiếu, đặt tác phẩm trong mỗi bối cảnh lịch sử xã hội, đặng xác định sự can thiệp của các yếu tố bên ngoài điện ảnh vào chính bộ phim. Toàn bộ qui trình đó đòi hỏi thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm và suy xét của người tham gia – điều sẽ, như Warren Buckland nhận xét, khiến “việc nghiên cứu điện ảnh cũng sẽ trở nên quan trọng giống như bất kì một lĩnh vực nghiên cứu nào khác” (tr.7).

Hướng dẫn viết về phim

Hướng dẫn viết về phim, như tên gọi, là một hướng dẫn cụ thể, sáng rõ cách viết về phim, từ việc ghi chép khi xem phim đến phong cách và cấu trúc bài viết. Theo dõi và thu nạp nội dung 7 chương sách và đặc biệt, lắng nghe những lời cổ vũ nồng nhiệt của tác giả, người đọc nghiễm nhiên có cơ hội hiện thực hóa sự yêu thích phim ảnh thành những bài luận thuyết hay phê bình phim có giá trị. Phê bình phim, theo tác giả, “là một trong những cách rất tinh tế để thể hiện quan điểm của mình về bộ phim đó” (tr.7). T. Corrigan chia cấp độ của nghiên cứu phim tăng dần: từ bản ghi chép về phim, bài điểm phim đến tiểu luận lý thuyết và sau cùng là bài tiểu luận phê bình tương ứng với sự nhập cuộc sâu dần của người học. Nhưng chính T.Corrigan cũng lưu ý rằng, nghiên cứu phim không phải là thứ để trang sức, làm oai. Nó vừa là học thuật vừa là nghệ thuật và người viết phải có khả năng kết hợp được hai phẩm tính đó. Việc nắm chắc thuật ngữ, chủ đề cũng như cách tiếp cận, triển khai các công đoạn viết có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng bài viết. Dĩ nhiên, điều này còn tùy thuộc vào độc giả của bài viết là ai, mong đợi điều gì.

3. Nghiên cứu phimHướng dẫn viết về phim được xây dựng như một giáo trình điện ảnh học. Vốn là những người nghiên cứu, giảng dạy điện ảnh lâu năm, Warren Buckland lẫn Timothy Corrigan, qua hiểu biết, kinh nghiệm bản thân, đều lấy mục tiêu cung cấp công cụ và kĩ năng phân tích phim làm điểm xuất phát cho việc biên soạn cuốn sách. Sinh viên điện ảnh, khán giả – những kẻ nghiện phim thực thụ (cinephile) là đối tượng chủ yếu mà hai tác giả này hướng tới bằng sự dày công gợi dẫn, đối thoại, tham mưu các phương pháp, cách thức nghiên cứu, phê bình phim. Tính chất giáo trình ở đây không phải là sự bày chật các khái niệm học thuật hàn lâm mà là sự cụ thể hóa, chi tiết hóa một cách sinh động, hấp dẫn những vấn đề lí thuyết dưới góc độ thực hành. Theo đó, mỗi chương sách sẽ có phần tóm tắt, ghi nhớ, bài tập, thư mục tham khảo; các ví dụ điển hình; các gợi ý chọn lọc; bảng tra cứu (index) tường tận… Tất cả hiển thị một thái độ giao tiếp vui vẻ, cởi mở, trọng thị người học của các tác giả. Tinh thần “cầm tay chỉ việc” đạt đến bậc thầy trong hai cuốn sách này, theo tôi, là một giá trị thiết thực, cẩm nang hữu ích mà người đọc có thể ghi nhớ, vận dụng. Điều đáng tiếc duy nhất ở hai cuốn sách này, có lẽ, là hệ thống ví dụ quá thiên về phim Hollywood hoặc phim Anh ngữ khiến các khu vực/tác phẩm điện ảnh khác bị mờ nhạt

Ở Việt Nam hiện nay, trong khi chiếu phim, xem phim đang là một thực tế phổ biến với sự hứng khởi của giới kinh doanh lẫn khán giả thì về cơ bản, những công trình giới thiệu, cập nhật tri thức phim ảnh lại trở nên khuyết thiếu một cách bất thường.  Nỗi ta thán về sự yếu kém trong nghiên cứu hay phê bình phim luôn kèm theo lí do rằng tính chất cũ kĩ, thậm chí lạc hậu, của những cuốn sách được coi là giáo trình điện ảnh đã bám chắc vào hành trang đa số người làm nghề. Những mục điểm, bình luận phim có tần suất cao trên báo chí chưa thể chấm dứt tình trạng hàng xén của đông đảo đương sự. Bởi thế, việc hình thành một cộng đồng phê bình, nghiên cứu phim lại phải bắt đầu từ khâu then chốt là cập nhật, vận dụng thấu đáo nguồn tri thức chuyên ngành mà xu hướng tất yếu là phải lấy từ nước ngoài, từ những chuyên gia uy tín của thế giới. Sự xuất hiện của Nghiên cứu phimHướng dẫn viết về phim mở đầu cho xu hướng đó.

 —

(Phiên bản rút gọn đã đăng ở Tuổi Trẻ)

22 responses to “Nghiên cứu phim và Hướng dẫn viết về phim

    • Đây là sách Dự án. Vì thế số lượng in chỉ 500 cuốn/sách. Chính tôi cũng được tặng mà không tìm mua trên thị trường được. Hiện sách chủ yếu lưu ở thư viện (nhất là các thư viện Điện ảnh). Nếu anh/chị quan tâm hơn, có thể hỏi về Dự án điện ảnh của trường ĐHKHXHNV Hà Nội (có trang tinvan.org).

      • Cuốn này in với số lượng hạn chế. Nếu bạn ở HN, có thể liên hệ với Nhã Nam để hỏi xem còn không. Trong trường hợp không còn, bạn phải dùng bản photo.

  1. Cho mình hỏi muốn mượn 2 cuốn sách này để photo thôi cũng đc thì có thể liên hệ với ai được ???

  2. Cho mình hỏi có thể liên hệ với Nhã Nam bằng cách nào…. Mình đang rất cần 2 cuốn này.. Search trên mạng thì thấy link vào đây…. hic… Mỗi tội sách từ năm 2011 chắc bgio rất khó có ở hiệu sách để có thể mua đc.

  3. Nếu em muốn mượn 2 cuốn sách này để photo thì làm thế nào ạ. Em click vào mail nhưng không thấy gì ạ

    • Bạn có thể liên hệ với Bộ môn Nghệ thuật học (khoa Văn học, Trường Nhân văn HN) để hỏi xem còn 2 cuốn sách này không nhé.

    • Không biết a còn dùng wordpress nữa không. Thời điểm 2 năm trước (năm 2015), em có mua được cuốn Hướng dẫn viết về phim bên trường Nhân văn ở Clb điện ảnh. Sách rất hay và cũng giúp em nhiều trong quá trình mày mò “tự học”. Em chỉ thấy mình viết về phim chỉn chu hơn thôi, chứ có nhiều khái niệm em cũng không hiểu lắm. Em không học chuyên về điện ảnh nhưng rất thích học về phân tích phim. 2 năm trước em có học được mấy buổi bên trường sân khấu, nhưng do trùng lịch học trên trường nên không theo được. Bên trường Nhân văn có dạy riêng về môn Phân tích phim không a? Với cả sinh viên trường ngoài mà muốn học thì có “ké” được không anh :))))))))))))))

      • Mình không làm việc ở trường Nhân văn nên không thực sự biết. Tốt nhất là bạn trực tiếp sang Bộ môn Nghệ thuật ở bên đó để tìm hiểu kĩ càng. Riêng Phân tích phim thì trước tiên cứ xem phim thật nhiều đã.

      • Chị đoán là ở Bộ môn Nghệ thuật học (Trường KHXH & NV Hà Nội) có quyển này. Vì in số lượng ít nên sách không có bán trên thị trường.

      • E liên hệ bên CLB điện ảnh trg Nhân văn nhé (search fb là có), mail cho bên đó rồi qua trg là mua đc thôi

  4. chào a, em là sinh viên trường DHKHXHVNV Hà Nội, em học khoa văn học, hiện tại em đang làm bài tập giữa kỳ môn nhập môn nghệ thuật điện ảnh, tuy nhiên trong trường lại cho mượn hết cuốn này rồi, anh có thể cho em hỏi là trong cuốn Hướng dẫn viết về phim ấy ạ có nội dung liên quan đến phần phân tích một bộ phim không ạ? Em cảm ơn nhiều ạ.

    • Ở bộ môn Nghệ thuật học, theo mình, có nhiều giáo viên có cuốn đó. Bạn nên mạnh dạn hỏi mượn giáo viên. Còn trong cuốn sách, chương 2 & 3 tập trung nhiều chỉ dẫn cho việc phân tích phim (từ đó, giúp bạn phân tích 1 bộ phim như bạn nói)

  5. Chào anh
    Giờ em đang ở Sài Gòn muốn mua 2 quyển này làm sao ạ vì em đang cần gấp

    • Bạn liên hệ với Bộ môn Nghệ thuật học (Trường KHXH NV Hà Nội) thì có thể có. Vì cuốn này in số lượng ít, không phát hành ra ngoài.

  6. Chào anh,
    Em có liên hệ với Bộ môn Nghệ thuật học (Trường KHXH NV Hà Nội) nhưng trường không cho mượn để photo ạ.
    Không biết anh còn giữ 2 cuốn này không, nếu còn có thể cho em mượn 1 chút để photo phục vụ cá nhân được không ạ?

Gửi phản hồi cho maianhtuan Hủy trả lời