Yêu thương là hành động


            Hai tuần trước khi rời xa trần thế vĩnh viễn, Victor Hugo, người từng chắc mẩm rằng hạnh phúc là được yêu thương, đã viết dòng chữ cuối cùng thật ngắn gọn trong nhật kí, aimer, c’est agir – yêu thương là hành động.

            Sẽ không thành dư luận nếu người mang đôi dép tổ ong, một sản phẩm đặc sệt tinh thần nội địa chào đời trong thời khốn khó mà sự có mặt của nó ở đâu đều gợi nên nỗi ái ngại quê mùa, không là Giáo sư Ngô Bảo Châu. Bởi đôi dép tổ ong dính đầy bùn đất ấy nên người ta cứ chú mục thêu dệt vẻ giản dị, gần gũi của ông, người đang đứng trên nhiều bục giảng danh tiếng ở Mỹ, mà không thật hiểu rằng, khi bước vào lớp học ở bản Lũng Luông đang độ sang thu 2014 đó, ông cũng chỉ muốn trò chuyện với các em, kiểm tra xem các em có biết đánh vần, viết tên mình và làm phép toán cộng hay không mà thôi, chứ đương nhiên hoàn toàn không để “diễn” cho một “vẻ đẹp” nào đó mà xã hội quá ưa kịch tính này thường hay dụng đến. Người ta cũng chẳng bận tâm để ý ngôi trường với 142 học sinh thiếu cơm thiếu mặc, cuốc bộ mỗi ngày hai tiếng đồng hồ bằng đôi chân không có cả dép tổ ong để học cái chữ; với gỗ thưng bốn bên, phòng ở giáo viên vừa là phòng học, phòng họp…, dù sao vẫn còn đỡ tạm bợ hơn so với hàng trăm ngôi trường vùng sâu vùng xa khác. Hơn một tháng sau, vào đúng dịp khai giảng năm học mới, giữa muôn vàn tấm hình cờ hoa biểu ngữ và những mĩ từ thường xuyên tái lặp, cộng đồng mạng, thêm lần nữa, thấy “choáng váng” bởi tấm hình chụp cảnh khai giảng ở một trường tiểu học vùng cao Hà Giang sơ sài đến mức, cảm giác đấy chỉ là bãi đất trống có tên, còn các em thơ dại ngồi líu díu vào nhau, quần áo lem nhem cũ kĩ, chỉ duy tấm bảng và phấn trắng rất mới. Lũng Luông hay Lùng Tám Cao chỉ là hai địa danh ngẫu nhiên được biết đến bởi những yếu tố ngoài nó, trong thế giới truyền thông đã không chừa bất cứ mánh lới nào đánh động thân tâm. Nhưng những số phận bọt bèo thì vẫn hắt hiu đầy mặt đất nếu chúng ta đủ sức để đi, để nghe và kịp chạm đến mỗi một cảnh ngộ đang khuất lấp mịt mùng trên quê hương xứ sở bằng tất thảy giác quan đời mình. Thuở đôi mươi tôi từng dạy học vùng cao, cách cố quận của tôi nửa ngàn cây số. Tôi đã nhanh chóng thất bại mọi háo hức hiệp sĩ vì không tài nào vĩ đại được như thầy Duishen để có thể làm thay đổi cuộc đời ai đó, như là cô bé Altynai. Nhưng tôi cũng kịp chứng kiến những học sinh của tôi, với đôi mắt đói, môi khô và ban tay sần sù, khuôn mặt xám ngắt, suốt ngày đi hái cây kim tuyến, nhặt phân bò, như nhặt những phần đời bị bỏ quên, và sệu sạo nhai sắn khi mặt trời tắt sớm. Tôi cũng kịp gắn bó với đồng nghiệp của mình mà rất nhiều trong số đó, hẳn chưa hết thời thanh xuân nhưng đã già rất vội, vì những đoạn đường rừng đất bùn nhão nhoét mấy mươi dặm mù sương trống huơ trống hoác cả bóng người, vì quá nhiều đêm mưa cô độc rét buốt,… Nếu đã dạy vùng cao, đã thấm thía mọi sự trớ trêu ở một không gian thừa lãng mạn nhưng nhọc nhằn như thầy Tành trong Thung lũng hoang vắng, thì khi được rời xa để về đồng bằng hay thành thị, sẽ chẳng thể quên những gì vừa trải nghiệm. Thậm chí, với tất cả thời gian còn lại, bất chấp đời sống cá nhân đã có nhiều đổi khác theo hướng phồn hoa hiện đại hơn, kí ức về bục giảng mái trường vùng cao vẫn cứ hiển hiện một cách khó cưỡng. Chứng “sợ” vùng cao, như sau này đôi lần tôi mơ thấy, luôn kèm theo dư vị đắng đót bởi mình đã không thật mạnh mẽ đi tiếp một quãng đường gian khó, hay chính xác hơn, chưa đủ dũng cảm để nhận phần thua thiệt. Có thể không đúng cho tất cả nhưng tôi vẫn nghĩ những ai trụ lại được nơi rừng xa núi thẳm để dạy học, nếu chẳng vì số mệnh run rủi xua đến, thì chủ yếu vì tận cùng trong tâm can, họ yêu thương bọn trẻ, và giản đơn nữa, là yêu thương những cái tên tộc người không dễ nhớ thuộc ngay. Chúng ta ngạc nhiên vì đằng đẵng bao nhiêu năm, khi miền xuôi đã ê hề nhà lầu xe hơi, thì trên các đỉnh núi, trẻ em thiểu số không có nổi một cái ghế nhựa trong ngày tựu trường? Hay còn vì, thật quá lâu rồi, chúng ta mới thấy một hành động san sẻ những thiệt thòi mà bản chất của nó không gì khác là lòng rộng rãi yêu thương ? Khi lòng rộng rãi, chúng ta sẽ thấy yêu thương không chỉ ở quãng đường vùng cao nhà toán học danh tiếng đi qua, mà còn ở những người giỏi chịu đựng đang âm thầm trụ lại, dẫu bóng hình tuổi tên của họ hẳn chỉ hắt trong kí ức bọn trẻ rồi đây nhỏ bé lầm lụi vào đời. Có yêu thương nào không từ hành động của máu mủ thịt da?

            Trẻ em, trong báo cáo cuối năm 2014 của Unicef, trở thành trung tâm mọi nhức nhối, âu lo. Như báo cáo này phân tích, trẻ em đang  rơi vào vô số vấn nạn ngày một phình ra trên khắp thế giới. Là mồ côi vì cha mẹ mất khi dịch bệnh Ebola tràn đến, là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Phi, Iraq, Syria, Ukraine, là chiến binh của các phe phái súng ống, là nhân công chính trong các nhà xưởng rẻ tiền. Tàn tật, chạy trốn, tị nạn,  bị bắt cóc, tra tấn, bị hãm hiếp, bị đẩy ra làm tấm bia đỡ đạn, bị ngược đãi, bạo hành…, tất cả, như vết chàm bội nhiễm, liên tục phủ ập xuống trẻ em khiến mỗi ngày trôi qua, có hàng ngàn trẻ em hoặc chết, hoặc chịu một nỗi đau bất thần. Nhưng để xoa dịu nỗi đau ấy và nhất là, để thắp lên hi vọng đẩy lùi cái ác, đôi khi những trắc ẩn yêu thương phải trả bằng mạng sống. Chúng ta chứng kiến mà bất lực trước cảnh những nhà báo, những thành viên thiện nguyện bị phiến quân IS hành hình không khác thời trung cổ. Nghịch lí và bất thường thay sự thật ấy! Và không chừng, cho đến khi các can thiệp chính trị giành ưu thắng, thì tiếng nói của yêu thương, bởi khiêm nhường và thầm lặng, chắc gì đã là phương thuốc liều cao để thuyên giảm cái nóng vội của toan tính, mưu mô, của tiếm quyền đoạt lợi ? Hoài nghi ấy làm chúng ta không khỏi băn khoăn, rằng liệu mỗi cá nhân lương thiện có thể tự bảo vệ, miễn dịch cho người thân yêu trước tội ác hay không, nếu cộng đồng xung quanh vẫn như đám đông phi luật pháp, ưa bạo lực và thiếu thiện chí giáo dục ? Liệu lòng tốt, tinh thần nghĩa hiệp giúp đỡ quốc tế có tỉnh thức các đối tượng được hưởng nhận thấy trách nhiệm phải tử tế hơn hay không ? Để một thế giới tốt đẹp hơn, như tiêu đề một bộ phim của Susanne Bier, chúng ta đều cần suy ngẫm và tìm cách lí giải những phi lí, và không tránh mặt mọi bất an có thể đang luồn sâu trong vẻ ngoài bình yên tạm bợ. Nếu những trái tim nhân ái cũng bị tổn hại, thì vấn đề ứng xử với bất nhân tính, với biến cố tai ương không còn riêng lẻ của ai, mà rất đáng được là trách nhiệm của tất thảy nhân gian, bởi đời sống chẳng cứ cùng chung màu da tiếng nói mới là thân thuộc. Có yêu thương nào không là hành động của ước vọng làm bóng mây che mát, dù chỉ cho một lữ khách, trên mặt đất vô vàn cát bụi chúng sinh này?

            Nếu yêu thương là thứ phải ước mới có thì những đứa trẻ bị bạo lực gia đình trong triển lãm ảnh “Bố ơi, con ước”, diễn ra vào cuối năm 2014 tại Hà Nội, hẳn sẽ là người chờ trông nhất. Những câu chuyện có thật trong các bức ảnh, đến từ khắp nơi, đã làm tan vỡ niềm tin rằng chỉ có loài vô tri mới hành hạ đồng loại mình. Chứ làm sao, dưới một mái nhà, bậc sinh dưỡng lại biến con cái thành thứ để thượng cẳng chân hạ cẳng tay ? Ước một ngày người cha không say, một ngày người cha giúp việc nhà cho mẹ, ước bữa cơm không bị tanh bành, ước những chiếc khăn quàng không biến thành dây trói, ước không thấy cảnh mẹ bị đánh,…, có phải là ước vọng quá lớn lao đến mức không thành thực ? Và còn có bao ước vọng như thế đang chìm vào bóng tối, nơi ống kính photovoice chưa kịp rọi chiếu ? Những bất bình đẳng giới và nạn bạo hành gia đình ở Việt Nam, sau nhiều năm nín lặng, gần đây đang được phơi mở liên tục hơn bao giờ hết, buộc chúng ta chính thức đối mặt với các khoảng hẫng đạo đức vượt ngoài sức hình dung. Một khi để trẻ thơ sống chung với quá nhiều vết bầm trên và sợ hãi khuôn mặt, thì cái thế giới mà chúng đang chịu đựng, tuy kinh hoàng, nhưng vẫn không thảm hại bằng mặt đất rồi đây cạn dần những thanh âm trong trẻo, những suối mát vỗ về, an ủi. Và nếu yêu thương vắng bóng trong gia đình, trong mối quan hệ giữa cha và con, thì thứ còn lại, ngoài chấn thương tâm lí khó phai, sẽ là một tương lai gần đầy u ám và hơn thế, một bất khả tín những điều tốt đẹp trên đời. Không ai đủ liều lĩnh để nhấc mình khỏi sợi dây yêu thương của gia đình, và vì thế, khi để trẻ con phải ước cả những điều lẽ ra chúng đã thuộc về, thì sợi dây giữ mọi cân bằng ấy đã không còn sức mạnh, và đột nhiên đứt đoạn bởi thái độ vô tâm bỏ mặc, thờ ơ níu giữ. “Bố ơi, một cậu bé bị bạo hành nói, con ước ngày nào cũng được ăn cơm bố nấu”.  Lẽ nào yêu thương là một hành động khó đến thế?

            Khi để Jean Valjean nuôi bé Cosette mồ côi, Victor Hugo đã thật tuyệt đối hóa lòng bác ái, hạt nhân của mọi lẽ phải và sự sống trên đời. Nhìn vào thế kỉ tao loạn mà văn hào Pháp sống, người ta dễ nghi ngờ mọi lí tưởng, kể cả lí tưởng nhân văn chủ nghĩa. Nhưng rất nhiều lần, trong vai Sancho Panza, tôi đã cùng sinh viên đi tình nguyện hè và vẫn thường kể cho các em nghe về kết thúc có hậu của cuộc đời Cossette. Xung quanh chúng tôi là những đỉnh đồi bạt ngàn lau sậy và những đưa trẻ trần truồng đen nhẻm ngồi vêu bên vệ cỏ chờ bố mẹ làm nương về. Không một ai trong chúng tôi muốn đưa máy ghi lại chụp ảnh khoảnh khắc của kiếp sống buồn thương ấy, vì tự nhiên, ở đâu đó, hình như là lồng ngực, có một vùng đau khiến chúng tôi chẳng nỡ. Lòng chẳng nỡ trước tình cảnh của tha nhân là cảm xúc rất gần với yêu thương. Nó sẽ lắng lại, và đặt vài câu hỏi, rằng nên làm gì và bằng cách nào, để tha nhân cầm lấy tay mình tin cậy thay vì chối bỏ lạnh nhạt. Và để, khi chính mình gặp thua thiệt, thì thời gian vẫn hào phóng gửi lại nhiều hơn những dư vị hạnh phúc mặn mòi. Yêu thương nào mà không là hành động tự mình ?

3 responses to “Yêu thương là hành động

  1. Rất mong nhận được Emial của Mai anh Tuấn. Cần một số trao đổi riêng về tác phẩm Giảng đường yêu dấu

Gửi phản hồi cho Trần Hà Nam Hủy trả lời