Chân dung phê bình: Đặng Phùng Quân


Tiểu sử:

–          Nguyên quán ở Vũ Tiên, Thái Bình. Từ 1968 – 1975, dạy môn Triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Từ năm 1981, cư ngụ ở Mỹ.

–          Trong những năm 1957 – 1963, Đặng Phùng Quân viết văn, làm thơ với bút hiệu Trường Dzi trên những tạp chí Sáng Tạo, Thế hệ…

Tác phẩm đã xuất bản:

–          L’existence d’autru et la fidelite dans l’oeuvre de Gabriel Marcel (1967)

–          Hiện hữu tha nhân với G. Marcel (1969)

–          Triết học và Khoa học (1972)

–           Chân dung triết gia (1973)

–           Triết học và văn chương (1974)

–           Văn chương và lưu đày (1985)

–          Tự truyện (1997)

–          Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỉ (2002)

–          Tấu khúc văn chương/ triết lí (2004)

–          Cơ sở tư tưởng thời quá độ (2007)

Những dự án nghiên cứu đang xúc tiến:

–          Phê phán lý trí văn chương

–          Soạn thảo Từ Điển Triết Học.

Thật khó để bao quát và nhận xét khái lược về trước tác cũng như tư tưởng của ông. Thoát ra khỏi cảm giác xấu hổ lưu cửu ở chúng tôi, người biên soạn, chỉ có thể nêu lại một vài suy ngẫm và triết lí của ông, ngõ hầu đưa ra gợi ý cụ thể nào đó cho độc giả dành trí lực để nghiên cứu sự nghiệp của ông một cách hệ thống và có thành tựu. Đặng Phùng Quân trước sau như một, ngay cả khi viết ở hải ngoại, vẫn  duy trì phong cách sáng tác của mình theo hướng “thấm đẫm triết học”. Sự uyên bác trong cả kiến thức lẫn ngôn ngữ khiến mỗi tác phẩm của ông là một thách đố trí tuệ đối với độc giả, và vì thế, càng kén chọn những độc giả có thể thấu nhận được. Đào Trung Đạo, một học giả tự nhận là bạn cố tri của “người hiền Đặng Phùng Quân”, khi đọc Cơ sở tư tưởng thời quá độ đã bộc lộ với giới trẻ, theo tinh thần của Kant, rằng,  “Hãy tái khai minh để mở ra một giai đoạn mới cho con đường tư tưởng”. Theo Đào Trung Đạo, không ít người Việt rơi vào ngộ nhận triết lí là nhận thức, dẫn đến đức tin vào việc sẽ thu lượm được hiểu biết từ triết lí. Ngộ nhận này đã được Đặng Phùng Quân đính chính:“Kant đã chỉ ra cơ bản của triết lý phê bình là phải tự chính mình tư tưởng, tức là đi tìm trong tự bản thân, trong lý trí của chính mình hòn đá tảng thử nghiệm của chân lý và phương châm luôn luôn tự mình tư tưởng đó chính là khai sáng/Aufklarung”-  một đính chính khiến Đào Trung Đạo phải trích dẫn trong thế tán thưởng và liền đó, khẳng định là cần thiết: “Tự mình tư tưởng đồng nghĩa với tự do tư tưởng”.

Triết lí luôn là cơ sở cho quá trình vận động tư tưởng, đồng thời, tìm hiểu triết học bằng các phương thức lí trí khác nhau, trong đó, tranh luận được coi như phạm trù khai phá. Phác thảo những vấn đề cơ bản cần tranh luận trong triết học, Đặng Phùng Quân kêu gọi một tinh thần tự do tư tưởng nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc trên con đường xây dựng nhận thức của cá nhân, nhất là trí thức trẻ. Đối với Đặng Phùng Quân, triết học là một hành động trong khi viết bởi vì từ viết, từ văn bản, tư tưởng sẽ được cấu trúc nên. Đã có lúc Đặng Phùng Quân tự hỏi: triết học có thể như văn chương nghệ thuật không?. Rồi chính ông tự trả lời: không, nó không hấp dẫn giác quan con người để ngấu nghiến hưởng thụ. Nó có thể là độc dược, là thuốc phiện và cần phải có một hành cung tri thức để tiếp cận. Khi nhắc đến yêu cầu “hành cung tri thức” trước ngưỡng cửa triết học, Đặng Phùng Quân cũng không quên nhắc nhở phải cầm theo một chìa khóa lao động: thực nghiệm, khám phá ra những điều chưa hề tìm kiếm và tìm kiếm trở thành lao động. Còn kinh nghiệm?. Đặng Phùng Quân đầy hóm hỉnh: những người viết cái mới bao giờ chẳng tự nhủ: viết (cho) không một ai.

Thực ra, viết cũng là một hành động để biến đổi thế giới. Quan điểm của Đặng Phùng Quân về hành động này rất nhất quán, có thể coi là cơ sở của tư tưởng: viết trước hết đem lại sự bất ổn cho đời sống. Ông nhận ra tố chất của văn chương là tính vận động. Vì vận động của văn chương là cách mạng. Khi đã vận động, tức cuộc thực nghiệm bắt đầu, hành động viết sẽ can dự vào đời sống, nơi “những nan đề phải khai phá” tập trung cao nhất, văn chương không còn cư trú trong bình an. Bởi “những điều cấm kỵ của thực tại”, nếu có, sẽ phải đối mặt với sự truy đuổi trong tư tưởng của người cầm bút. Người cầm bút thất bại là người không được viết ra, và thứ nữa, không tìm kiếm một sự phá thể nào. Đặng Phùng Quân lựa chọn phá thể tiểu thuyết.

Sự bế tắc không chỉ là cáo chung của triết học mà còn là của cả văn chương. Nếu triết học đi đến tận cùng, Đặng Phùng Quân khẳng định, cũng có nghĩa là đã vận dụng hết những khả năng của văn hóa, cũng có nghĩa là cáo chung của nhân loại, thì sự hoàn tất nhiệm vụ của văn chương, trong chừng mực nào đó, không hề là tham vọng tốt đẹp. Văn chương, trong cách viết thấm đẫm triết học của Đặng Phùng Quán, phải luôn là một thách đố mở ngỏ. Mà sự thách đố càng lâu dài thì triết lí vẫn có ích vô cùng cho cuộc tìm kiếm, hệt như ánh sáng đối với những người lạc hậu giúp họ nhìn thấy bầu trời, dẫu có ngồi ở đáy giếng!

Post bài này khi đang ở Thái Bình, quê nhà của ĐẶNG PHÙNG QUÂN.

2 responses to “Chân dung phê bình: Đặng Phùng Quân

Bình luận về bài viết này