Thương nhớ cầu ngói


Mới đây, ngày nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, tôi lại ghé chùa Thầy, kiệt tác cảnh quan trên đất Sài Sơn, phủ Quốc xưa. Dù biết trước thể nào cũng đông nghịt người, nhưng chẳng thể đặng đừng hay cũng bởi tâm tư thúc giục, tôi thả bộ trên cầu kiều hai bên tả hữu nối vào sân chùa. Hai cầu kiều này đã được làm lại, còn nguyên gốc, theo tương truyền, là do Phùng Khắc Khoan xây dựng vào năm 1602. Từ cầu kiều, ngắm nhìn ao Long Chiểu và thủy đình, tôi lại rùng mình, như những lần trước đây, bởi xung quanh cơ man rác, túi nilon, chai nhựa và dằng dặc quán xá đồ nướng, giải khát. Này, Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều diễm lệ, gần năm trăm năm trước, ngươi có mường tượng được cảnh này không?!

            Charles Edouard Hocquard (1853-1911), dẫu là một bác sĩ quân y trong đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, nhưng lại nổi tiếng và có lẽ bất tử vì những bức ảnh ông chụp về phong cảnh, con người, xã hội An Nam. Đến Bắc kỳ vào năm 1884, hành quân nhiều nơi, từ Sơn Tây, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, cho đến Hà Nội, Hưng Hóa, Lạng Sơn, “kẻ xa lạ” này đã chủ ý dành thời gian, công sức chụp rất nhiều bức ảnh cảnh làng mạc, phố xá, núi non An Nam, trong đó có cầu ngói (hay còn gọi là cầu có mái che) xuất hiện ở làng quê Bắc bộ. Ngắm những bức ảnh này, chúng ta có thể hình dung được phần nào hình dáng, kết cấu và đặc biệt là vẻ đẹp riêng khác của cầu ngói cuối thế kỉ XIX. Thường chỉ bắc qua đoạn sông hẹp, hồ ao, thậm chí là đoạn kênh mương không quá chục mét, cầu ngói có kết cấu khá đơn giản: phần “hạ kiều” (trụ cầu, mố) hình vòm, một hoặc nhiều nhịp và phần “thượng gia” (mái ngói, hệ vì kèo gỗ, tạo ra “gian nhà”). Trong quá khứ, có lẽ cũng có những câu ngói chỉ là những đoạn thanh gỗ hoặc tre được kế dựng đơn sơ, không có mái che hoặc mái che bằng rơm rạ. Ở những làng quê có tiềm lực tài chính, người dân mới xây dựng cầu ngói chỉnh chu, đầy đủ cố kiện. Một số cầu ngói hiện còn lưu dấu hoặc được phục dựng lại hiện nay như cầu ngói chợ Lương (Hải Hậu, Nam Định), cầu ngói chợ Thượng (Nam Trực, Nam Định), cầu ngói Phát Diệm, cầu ngói Thượng Gia (Ninh Bình), cầu ngói Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội) thì tính chất “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) rất rõ nét. Xây từ thời hậu Lê, cầu chợ Thượng chẳng hạn, có mố cầu xây bằng đá tảng, dầm cầu là gỗ lim, cột cái hình vuông, cột quân hình trụ tròn, lòng cầu lát đá tảng, rộng gần hai mét và dài chưa đến hai mươi mét. Còn cầu ngói chùa Lương ngay huyện bên cạnh thì được xếp vào hàng danh kiều của Bắc bộ xưa.  

Khi bắt gặp cầu ngói ở làng Trạch Lôi (Phúc Thọ, Hà Nội), Hocquard không chỉ chụp ảnh mà còn có những dòng mô tả rất chi tiết: “một cây cầu xinh xắn có mái che, bắc trên hàng cọc và có dáng cong như sống lưng lừa bắc qua một cái ao được người dân bản xứ sử dụng để nuôi cá. Dưới mái cầu lợp ngói có hai hàng ghế dài bằng gỗ chạy song song dọc theo thân cầu để người đi qua cầu có thể ngồi nghỉ hóng mát khi trời quá nắng nóng”. Quả đúng như Hocquard quan sát, cầu ngói không chỉ phục vụ giao thông đi lại mà còn là nơi nghỉ ngơi, dừng chân, gặp gỡ, hẹn hò. Hình dáng uốn cong của nó, cùng màu nâu trầm của mái ngói, hàng trụ gỗ đan cài đăng đối, dãy lan can gỗ chắc chắn tất cả, như một tiểu phẩm kiến trúc xinh xắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa lí và công năng sử dụng trong những làng quê nhỏ bé. Một số cầu còn có thêm chức năng thờ tự, biến thành chùa cầu. Trong cấu trúc làng xã Bắc bộ truyền thống, ngoài chùa, đình, miếu chiếm vị thế trung tâm thì những công trình “cỡ nhỏ” như cầu ngói, nhà trạm, công quán chắc cũng thu hút dân chúng để mắt và lui tới. Với cầu ngói, do gắn với yếu tố nước, soi mình xuống sông hồ, nên nó càng hữu tình, duyên dáng. Ngắm những cầu ngói trong ảnh cũ, tôi chợt nhận ra tính cách phong lưu, biết tìm kiếm vẻ đẹp hài hòa giữa cảnh quan cư trú và óc thẩm mĩ của người xưa. Cầu ngói, tôi muốn nhấn mạnh, có lẽ là ví dụ cụ thể chứng minh người bình dân ưa thích những công trình nho nhỏ, biểu đạt nét tinh tế, tinh xảo, thiên về khiêm nhường, giản dị. Từ cầu ngói đến đồ thủ công mĩ nghệ, đồ gia dụng mây tre đan, người bình dân đều tính toán để không bị hớ, tốn kém và kệch cỡm quá mức. Khác với hôm nay đua nhau xây dựng, thực hiện các công trình, sản phẩm hoành tráng, “siêu to khổng lồ”, người Việt trước đây dễ bằng lòng và trân trọng sự tiện dụng, vừa sức, đáp ứng ở mức tàm tạm nhu cầu đời sống không hẳn dư dả về tiền bạc và dễ dàng về sinh kế.

Người Pháp đầu thế kỉ XX có lẽ rất ấn tượng với loại cầu ngói thấp thoáng xuất hiện ở làng quê An Nam. Họ chụp và in hình cầu ngói vào những bưu thiếp và nhờ thế, chúng ta mới biết thêm cầu ngói Khoa Trường (Nghi Lộc, Nghệ An), cầu ngói làng Chọi (Khúc Xuyên, Bắc Ninh), hay cầu ngói Sơn Tây (Hà Nội) giờ đây đã mất. Ngay cả Pierre Gourou, một học giả địa lí-nhân văn nổi tiếng, cũng đưa vào công trình kinh điển Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (1936) một bức ảnh cầu ngói ở Bắc Ninh và dòng chú rằng loại cầu này ít xuất hiện ở vùng châu thổ. Có thể vì ít, hay đúng hơn là không phổ biến rộng khắp như đình và chùa mà cầu ngói, cũng như cầu đá, ít nhận được chăm chút, giữ gìn của hậu thế. Hơn nữa, khi người Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa thì họ cũng tiến hành xây dựng những cây cầu bê-tông, thép kiên cố và kì vĩ. Lịch sử về sau cứ thế tiếp tục có thêm nhiều cây cầu hiện đại, đa năng. Chỉ có rêu phong và nét cổ kính của thời gian thì vẫn đổ xuống trên mái ngói, lối đi của những cây cầu ngói nhỏ nhắn, khép mình nơi thôn dã. Ngày nay, khi tôn tạo, phục dựng cầu ngói, không ít tình huống trớ trêu đã xẩy ra, như với cầu chợ Thượng, chiếc cầu đã bị gạt phắt các cấu kiện chạm trỗ, hoa văn, phủ bê-tông, xi-măng, ốp đá và khiến chúng na ná nhà ống! Cầu ngói, vậy là, cũng không tránh được bàn tay trùng tu có phần vội vàng và cẩu thả, như số phận của nhiều công trình, di sản kiến trúc, văn hóa lịch sử khác.

 Khi bức ảnh chụp cầu ngói ở làng Trạch Lôi, Hocquard chắc không biết sau hơn trăm năm, hình ảnh đó khiến nhiều người sành chữ đất Việt phải cất công đi xác định lai lịch, vị trí. Chiếc cầu đẹp và nằm trên tuyến đường huyết mạch lên thành Sơn Tây xưa, giờ đây chỉ lưu lại trong nước ảnh đen trắng mờ nhạt. Bước chân viễn chinh không còn. Bóng dáng tiền nhân cũng thành quá vãng. Những cây cầu ngói hiện còn, đâu đó, như ở chùa Thầy, lại vô duyên làm nền cho bước chân người nhốn nháo, xô bồ. Xoàng xĩnh và có phần dung tạp, cầu kiều dửng dưng đổ bóng hồ Long chiểu, như đôi lần trong cuộc sống của chúng ta, thờ ơ nhìn thế sự mà không biết nên bắt đầu hỏi hay đáp sao cho phải lẽ.

Bình luận về bài viết này