Trương Tửu, một bước ngoặt


Cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam được in lần đầu tại Nhà xuất bản Xây dựng (Hà Nội) năm 1958, 252 trang khổ 19cm. Đó là một thời điểm chứa nhiều sự kiện quan trọng không chỉ của Trương Tửu, tác giả cuốn sách vừa bước vào độ chín tuổi nghề, mà còn của xã hội, văn hóa, đời sống trí thức Việt Nam.

          Sau nhiều năm dạy học tại các lớp văn hóa Liên khu 4, năm 1954 khi hòa bình lập lại, Trương Tửu về Hà Nội, được bổ nhiệm Giáo sư tại trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội. Ở ngôi trường Sư phạm có nhiều đồng nghiệp danh tiếng này, Trương Tửu chuyên giảng dạy lí luận văn học và lịch sử văn học Việt Nam. Năm 1955, ông viết hai chuyên luận Chỉnh huấn là gì?Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ. Năm sau, 1956, Trương Tửu có mặt trong phái đoàn Giáo dục Đại học Việt Nam tham quan nghiệp vụ tại Trung Quốc. Cùng năm, Trương Tửu cho in công trình nhiều tâm huyết Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du, một nỗ lực nghiên cứu sâu thêm, ngõ hầu vượt qua “những nhận định sai lầm cơ bản” như chính Trương Tửu tự cảm nhận trong hai chuyên khảo trước đó của mình là Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1945). Nhưng mối bận tâm về Kiều không làm Trương Tửu lãng đi những ưu tư đang ngày một nóng hổi của thời cuộc, nhất là khi giới văn nghệ sĩ và trí thức bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải đề đạt, bàn luận mối quan hệ giữa chính trị và văn nghệ, giữa tự do sáng tạo và các thiết chế trong bộ máy quản lí tư tưởng. Không chút đắn đo, Trương Tửu viết liền hai tiểu luận Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm Mùa thu, tập II, ra ngày 30/9/1956) và Văn nghệ và chính trị (Giai phẩm Mùa thu tập III, ra ngày 30/10/1956) mà lời lẽ đau đáu, thẳng thắn dưới giọng điệu hùng biện mạnh mẽ sẽ gây ra cho ông nhiều hệ lụy về sau. Sang năm 1957, Trương Tửu tham gia Đại hội thành lập và là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Cuối năm đó, ông hoàn thành Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Và chỉ mấy tháng sau, cùng với các yếu nhân và mô hình hoạt động của Nhân văn-Giai phẩm bị kỉ luật, bị đẩy ra trước “tòa án dư luận”, Trương Tửu cũng bị buộc thôi dạy đại học, khai trừ khỏi Hội nhà văn. Diễn biến quá chóng vánh đến bất thường ấy khiến Trương Tửu, từ 1959 trở đi, rời xa hẳn công việc nghiên cứu, phê bình văn chương, chuyên chú tìm hiểu Đông y và hành nghề châm cứu. Quyết liệt và dứt khoát như lúc nhập cuộc văn đàn từ giữa thập niên 1930, Trương Tửu rút lui học thuật cũng “nhất khứ bất phục phản” như một bậc trượng phu không chấp nhặt những thị phi và ngang trái vô cớ hoặc ác ý đổ ập xuống cuộc đời. Ít ai có thể ngờ Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam gần như là chuyên luận văn chương tầm cỡ cuối cùng của Trương Tửu khi ông đang có môi trường giảng dạy lí tưởng và đặc biệt là vốn tri thức sâu dày, kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm tích lũy được. Không chỉ thế, ngay cả lúc làn sóng công kích Nhân văn-Giai phẩm hạ nhiệt, cuốn sách còn trở thành đối tượng bị phê phán, bài xích nặng nề bởi nhiều gương mặt dù gì cũng là trí thức sáng giá song le chẳng thể đặng đừng góp gió trong một cơn giông tố thời đại mà giờ đây ai cũng thấy nhói lòng cho nạn nhân lẫn người phán xét[1]. Điều Trương Tửu không lường được có lẽ là những bài viết phê phán cuốn sách lại tỏ ra chăm chú xoáy sâu vào trọng điểm được ông nhọc công chăm chút nhất: viết văn học sử Việt Nam trên nhãn quan và phương pháp Mác-xít.

          Thực ra, trước Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, Trương Tửu từng “tập dượt” phương pháp phê bình Mác-xít trong Kinh Thi Việt Nam (1940), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1943). Vào thập niên 1950, nghĩa là văn hóa văn nghệ và đời sống xã hội Việt Nam đã thực sự thích nghi với đường lối, lập trường Marx-Lenin, Trương Tửu, cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác, không chỉ muốn mà là phải chứng thực một cách rõ ràng những gì mình đã tiếp thu được từ chủ nghĩa Mác. Mặc dù nhận thức khó khăn lớn là “các nhà văn học sử của chúng ta mới còn đang ở thời kỳ tập vận dụng lập trường và phương pháp Marx-Lenin vào sự nghiên cứu văn học” nhưng Trương Tửu trước sau vãn bám sát tư tưởng, phương pháp Mác-xít trong từng lập luận, nhận định, diễn giải. Những quan niệm then chốt như “văn học là một bộ phận thượng tầng kiến trúc của xã hội”; “thượng tầng kiến trúc tác động trở lại hạ tầng cơ sở”; “trong các xã hội có giai cấp, văn học phản ánh toàn thể cuộc sinh hoạt nên có tính chất đối kháng trong nội bộ”; “văn học Việt Nam sau 1945 thuộc vào phạm trù ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản”; hay “thời hiện đại là thời của cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới bắt đầu thắng lợi trong điều kiện đế quốc chủ nghĩa-giai đoạn chót của chế độ tư bản-bắt đầu tan rã và ngày càng tan rã”,…, rõ ràng, cho thấy Trương Tửu nồng nhiệt và tin cậy cao độ một số nhận định trong hệ lí luận chủ nghĩa Mác về kinh tế xã hội lẫn văn nghệ. Ông cũng trích dẫn theo kiểu “nói có sách” trước tác kinh viện của Marx-Engels, Lenin, Mao Trạch Đông, G. Plekhanov, tham khảo Jean Fréville, G. Lukács, Bielinski,… như một cảm hứng lớn và cấp thiết. Từ nguồn lí luận đó, Trương Tửu cố gắng xây dựng mô hình tiếp cận văn học sử Việt Nam trên cơ sở phân tích điều kiện kinh tế xã hội, ý thức hệ giai cấp, thể chế chính trị, tác động của cách mạng hay đường lối lãnh đạo văn nghệ. Bởi thế, trong cái nhìn của Trương Tửu, đột biến lớn của văn học Việt Nam là khi cách mạng tháng Tám thành công “mở đầu một thời đại hoàn toàn mới trong lịch sử văn học dân tộc” trên nhiều phương diện: đời sống văn học, lý tưởng nghệ thuật, khiếu thẩm mỹ, sáng tác và phê bình, chủ đề, nhân vật ngữ ngôn,… Ở giai đoạn văn học 1945-1954, Trương Tửu không nén nổi niềm tự hào rằng “văn học Việt Nam tự gắn chặt mình vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới của giai cấp vô sản”. Có thể nói, với cá nhân Trương Tửu, chưa bao giờ ông trở nên bài bản vận dụng phương pháp Mác-xít trong nghiên cứu như ở Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam; cũng hiếm khi ông có nhiều cảm xúc và mỹ từ dành cho văn học sau 1945 như ở cuốn sách đẩy ông vào bước rẽ bất đắc ý ấy. Nhưng với độc giả hôm nay, dù thừa nhận sự chân thành, nồng nhiệt hay nỗ lực khoa học hóa văn học sử bằng nhãn quan Mác-xít trong Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam, chúng ta cũng thấy những phẩm chất đó là chưa đủđể khỏa lấpsự cứng nhắc trong vận dụng lí thuyết, sự lúng túng nhất định trong cách phân chia và lí giải các đặc điểm của mỗi thời kì văn học, và đáng nói hơn, mức độ thuyết phục khi muốn quy tất cả diễn biến sinh động của văn chương trong khung ý thức hệ chính trị, đấu tranh giai cấp. Tuy thế, theo tôi, nhờ những gì chưa hoàn hảo của thao tác áp dụng phương pháp Mác-xít mà Trương Tửu lại bộc lộ được một số nhìn nhận, đánh giá xác đáng, có ý nghĩa gợi mở cho các nghiên cứu văn học sử về sau và vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Hơn nữa, cũng nhờ sự “chưa tới” trong phương pháp Mác-xít ở Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam màchúng ta có thể vỡ lẽ những hạn chế chung của thời đại, của phương pháp nghiên cứu từng là chủ đạo đó để, như từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, tìm tòi, vận dụng các phương pháp khác mới mẻ và hiệu quả.

          Sự xác đáng đáng kể đầu tiêntrong Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam là việcchỉ ra “tính loại biệt của văn học”. Trương Tửu dường như được trở lại tâm thế nhà phê bình khi viết những trang thật bay bổng, những dẫn chứng thật hào hứng về “trí tưởng tượng thật mãnh liệt của nhà văn”, “thế giới hư ảo do trí tưởng tượng của nhà văn học sáng tạo ra”, về ngôn ngữ trong tay “một nhà văn thiên tài[…] thật là huyền diệu”. Trương Tửu nhấn mạnh rằng nhà văn phản ánh hiện thực bằng “hình tượng”, “bằng cách hư cấu” nên nhiệm vụ của nhà phê bình và người làm văn học sử là “căn cứ vào những hình tượng văn học trong tác phẩm nhận định thật đúng chân tướng ý thức và cá tính độc đáo của từng nhà sáng tạo văn học”. Bởi hiểu vai trò cá tính, ngôn ngữ, bút pháp trong sáng tạo văn chương nên Trương Tửu khuyến nghị người làm văn học sử cần tránh những tổng luận đại khái không bắt đúng “thần thái đặc biệt của mỗi nhà văn”. Đây là lí do khiến Trương Tửu mở rộng quan sát diễn biến văn học ở nhiều phương diện, có phương diện thuộc kinh tế-xã hội nhưng cũng có phương diện thuộc thái độ, tâm lí nhà văn, thuộc về công chúng văn chương. Nhìn chung, cách làm như vậy sẽ thu được nhiều dữ liệu và ngay cả các nghiên cứu văn học sử ở Việt Nam hiện nay vẫn thường xuất phát từ khảo sát bối cảnh văn hóa, xã hội.

          Bởi vậy, ở điểm khả thủ thứ hai, cuốn Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam đã tạo được một sơ đồ phác thảo văn học sử tương đối dễ nắm bắt. Sơ đồ đó đề ra hai vấn đề lớn: Thứ nhất, đời sống văn học (trong đó quan trọng là các thể loại và tác giả, tác phẩm văn học); thứ hai, các bộ phận hợp thành (văn học dân gian, “văn học Hán Việt”, văn học cổ điển, văn học cận đại và văn học hiện đại). Có thể xem đây là các chỉ dẫn có mức độ tham khảo nhất định. Chẳng hạn, về văn học cổ điển, Trương Tửu cho rằng không thể áp dụng máy móc khái niệm “chủ nghĩa cổ điển” phương Tây mà cần thấy “văn học cổ điển ở Việt Nam thành hình trong điều kiện xã hội phong kiến chưa có giai cấp tư sản. Những người sáng tạo ra văn học cổ điển, ở Việt Nam, không phải là những nhà trí thức đại diện cho giai cấp tư sản đang lớn lên mà lại là những tầng lớp nho sĩ quan liêu và nho sĩ bình dân tiến bộ”. Về văn học hiện đại từ sau 1945, Trương Tửu cho biết “nhà văn thâm nhập quần chúng, phục vụ chính trị cách mạng, tham gia cải tạo xã hội” và “sáng tác cho quần chúng độc giả cách mạng”. Hai đặc điểm “phục vụ chính trị cách mạng” và “sáng tác cho quần chúng” đã được Trương Tửu chứng minh qua những hình ảnh rất điển hình: anh chiến sĩ, anh dân công, chị phụ nữ, chú thiếu nhi, túp lều gianh, hầm bí mật, đường đồi núi, lán dân công, trụ sở ủy ban xã, quán trọ bên đường, lớp học bình dân,… Phải quan sát kĩ và đập nhịp cùng đời sống văn nghệ kháng chiến thì Trương Tửu mới lẩy ra được những thay đổi kì thú như thế này: “Một tập tiểu thuyết đem đọc cho anh chị em công nhân nghe trong câu lạc bộ sẽ được phê bình bằng mọi cách rất thô sơ nhưng rất chân thật: hoặc những cái ngáp ngắn ngáp dài; hoặc những tiếng xuýt xoa thích thú; hoặc thái độ ngẩn ngơ của người nghe thấy truyện đã hết mà lòng xúc động chưa hết…”. Lối diễn đạt dễ bị hiểu là “xem thường” đại chúng ấy, giờ đây đọc lại, lại hấp dẫn vì ít nhất, nó bắt đúng không khí văn nghệ kháng chiến và nó rất mực sinh động, tự do ngay trong khuôn khổ chuyên khảo văn học sử.

          Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam khép lại một chặng đường nhận thức và triển khai công việc khảo cứu, biên soạn lịch sử văn học dân tộc của giới nghiên cứu. Trước Trương Tửu thì Dương Quảng Hàm đã viết Quốc văn trích diễm (1925) và Việt Nam văn học sử yếu (1943), Nguyễn Đổng Chi viết Việt Nam cổ văn học sử (1942), Nghiêm Toản viết Việt Nam văn học sử trích yếu (1949), Nguyễn Tường Phượng và Bùi Hữu Sủng viết Văn học sử Việt Nam thế kỉ XIX (1952), nhóm Lê Quý Đôn viết Lược sử văn học Việt Nam (1957). Trương Tửu kế thừa nhưng cũng phản biện thẳng thắn sản phẩm của người đi trước và nhờ thế, cuốn sách của ông mang âm hưởng đối thoại xung quanh các điển phạm văn chương đã xác lập. Trách nhiệm hoàn thiện bức tranh văn học sử không đặt lên vai Trương Tửu song ông cũng sốt ruột tìm một đáp án mỹ mãn. Như vậy, có thể nói quá trình viết văn học sử luôn song hành với con đường ôn cố tri tân, với tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Câu hỏi văn học sử Việt Nam có những gì dĩ nhiên hàm chứa băn khoăn dân tộc Việt Nam đã kiến tạo nền văn hóa, văn hiến ra sao. Cụ thể và xác thực hóa các giá trị văn học sử, thực chất, cũng là minh chứng, khẳng định năng lực sáng tạo văn chương của dân tộc. Sau Trương Tửu, có thêm nhiều tác giả, nhóm tác giả viết lịch sử văn học Việt Nam và tuy khác nhau về phương pháp thì đích ngắm chung vẫn là thông hiểu quá khứ, đặc tính dân tộc và con người Việt Nam[2]. Trong nghĩa đó, đón nhận Mấy đề vấn đề văn học sử Việt Nam hôm nay chẳng vì hiếu cổ thì cũng vì nó đánh động chúng ta dành ngòi bút tiếp tục lược khảo, đổi mới phương pháp thẩm bình đặng tạo sức bật lâu dài cho khoa học văn chương.


[1] Loạt bài “Phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam” đăng nhiều kỳ trên báo Văn học có thể kể đến: Vũ Đức Phúc với “Lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ” (số 13 ra ngày 25/9/1958);  Nguyễn Kiến Giang với “Tuyên truyền thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ, cách mạng trong lý luận và sáng tác văn học” số 14, ra ngày 5/10/1958 và số 15 ra ngày 15/10/1958); Hồng Quảng với “Quan điểm chính trị và học thuật của Trương Tửu về văn học cận đại và hiện đại Việt Nam” (số 16 ra ngày 25/10/1958)…

[2] Có thể kể đến: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1961-1965) của Phạm Thế Ngũ;  Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967) của Thanh Lãng; Văn học cổ Việt Nam (1964) của Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân; Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX (1976) của Nguyễn Lộc; Văn học Việt Nam 1900-1930 (1988) của Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng..

Bình luận về bài viết này