Chân dung phê bình: Đoàn Cầm Thi


–         Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả, Tiến sĩ – giảng viên văn học Việt Nam tại Đại học Paris VII – Denis Diderot

– Một số bài đáng chú ý:

  1. Thu Trần Dần
  2. Bạn muốn viết văn?
  3. Công chúng Pháp và văn học Việt Nam
  4. Đọc Duras ở Việt Nam
  5. “Điều tôi chưa biết gọi tên” – đọc Nỗi đau của Duras
  6. Chiến tranh, tình yêu, tình dục trong văn học Việt Nam đương đại
  7. Nỗi buồn chiến tranh: tự truyện bất thành
  8. Nhân vật Phương, người phụ nữ Hà Nội và chủ đề văn học trong Nỗi buồn chiến tranh
  9. Người đàn bà nằm: từ Thiếu nữ ngủ ngày, đọc Người đi vắng của Nguyễn Bình Phương
  10. Sáng tạo văn học: giữa mơ và điên (đọc Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương)
  11. I’m Yellow: khoái cảm văn bản – đọc Chinatown của Thuận
  12. Cơ hội của Chúa: từ nhật kí đến hậu trường văn học
  13. Đỗ Kh. – người của bốn phương

Là dịch giả, Đoàn Cầm Thi từng được giải thưởng Le Mot d’or de la traduction năm 2005 (của UNESCO – Cơ quan liên Chính phủ các nước nói tiếng Pháp – Hội dịch giả Pháp văn) với tuyển tập dịch Au rez – de – chaussée du paradis (Tầng trệt ở thiên đường; Philippe Picquier: Arles 2005). Trước đó, vào khoảng thời gian từ 1999 – 2002, bà từng dịch Nỗi đau (La Douleur) của M. Duras ra tiếng Việt và Bến không chồng của Dương Hướng ra tiếng Pháp (Nxb L’Aube). Là nhà nghiên cứu phê bình văn học, Đoàn Cầm Thi thúc đẩy mối quan tâm của độc giả theo hướng song song văn học Pháp và văn học Việt Nam đương đại. Bà giới thiệu, một cách nhiệt tình và cặn kẽ, những sáng tác của M. Duras với độc giả Việt Nam, trong đó, ở mức độ tập trung nhất, bà chỉ ra thể loại tự truyện với tính đặc sắc và hấp dẫn của nó (Luận văn tiến sĩ của Đoàn Cầm Thi có đề tài “Hành trình trong Câu chuyện đời tôi, tự truyện của George Sand”, 1997). Từ M. Duras, Đoàn Cầm Thi phân tích Nỗi buồn chiến tranh với tư cách là tự truyện bất thành, dù ở Việt Nam, theo bà, là nơi có một nền văn học chiến tranh thực sự.

Quan tâm đến văn bản, Đoàn Cầm Thi đi sâu vào khía cạnh cách tân, sáng tạo cái mới của các tác giả văn học Việt Nam hôm nay. Khoái cảm văn bản, theo cách nói của R. Barthes, được Đoàn Cầm Thi dò thấu trong ngôn từ, cấu trúc, âm nhạc, tiết tấu không chỉ ở  các sáng tác là tiểu thuyết mà còn ở các sáng tác là thơ ca. Cách tân, cái Mới bao giờ cũng đem lại những khoái cảm thẩm mĩ, một hệ số chờ dịp bung nở khi người đọc có dịp cọ xát và giải mã những thách đố mà người viết ẩn giấu trong văn bản.  Cách tân, ở tiểu thuyết, theo phân tích của Đoàn Cầm Thi qua những tiểu thuyết cụ thể, chủ yếu tập trung vào thi pháp, lối viết. Chẳng hạn, với Nỗi buồn chiến tranh, là sự giằng co giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, qua thân phận của một bản thảo tự hủy; với Người đi vắng là “một hợp âm với vô vàn đối thoại, độc thoại, mà người đọc không phân biệt được ai là kẻ phát ngôn”; với Chinatown, khi dùng thủ pháp truyện lồng trong truyện, đã dẫn đến sự hé lộ tính phức tạp của sáng tạo nghệ thuật, một công việc được thực hiện trong thế cân bằng hết sức mong manh giữa vô thức và ý thức, giữa tính ngẫu hứng và yêu cầu kỉ luật; với Thoạt kì thủy, là cuộc phiêu lưu trong vô thức… Trong thi ca, cái mới, chính là sự thúc đẩy của ngôn ngữ, thậm chí, đạt đến mức kêu gọi ngôn ngữ của  tâm linh, từ Trần Dần đến nhóm Mở Miệng, Đinh Linh, Đỗ Kh…, Đoàn Cầm Thi nhận thấy “kẻ lạ trong ngôn ngữ” như là một yếu tính là cảm hứng của sáng tạo thi ca.

Trong nhiều bài phê bình của Đoàn Cầm Thi, có một điểm thú vị, gần như xuất hiện lần đầu tiên và có hệ thống, được duy trì bởi một ý thức nữ quyền mãnh liệt, là việc bà đề cập đến vị trí người nữ trong văn chương, từ vấn đề dục tính đến việc xây dựng nhân vật nữ như một trung tâm của nghệ thuật. Nhân vật nữ bước ra từ những kiến giải của Đoàn Cầm Thi, dứt khoát chối bỏ ý thức hệ phụ quyền của bao thế kỉ người Việt đọc văn, để xác lập cho mình không chỉ là một chân dung nhân vật văn học mà còn, đáng nói hơn, một giá trị văn hóa đọc văn chương.

 Khi nhất quyết khẳng định nhà phê bình không phải là người làm từ thiện, Đoàn Cầm Thi chấp nhận con đường phê bình ít khoan nhượng nhất và vì thế, rất độc lập. Đọc, viết, dịch những người cùng thời, như Đoàn Cầm Thi tâm sự, là một hạnh phúc. Bà nhấn mạnh: “ Qua tác phẩm của họ, tôi tìm cách hình dung thế hệ và thời đại của mình. Và điều đó tôi tìm thấy không chỉ ở các nhà văn Việt mà trong mọi nền văn hoá”.

2 responses to “Chân dung phê bình: Đoàn Cầm Thi

  1. Cam on bai viet rat hay cua tac gia.
    Xin cho biết thêm địa chỉ của TS Doan Cam Thi de lien he trao doi. Cám on nhiều.

    • Thật tiếc là M.A.T không có địa chỉ mail của TS Đoàn Cầm Thi, vì chưa từng liên hệ với bà. Tôi chỉ đọc văn bản phê bình của ĐCT mà thôi.

Bình luận về bài viết này