Chân dung phê bình: Nguyễn Vy Khanh


–         Tiểu sử:

–         Sinh năm 1951 tại Quảng Bình. Vào Nam năm 1954. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết Tây tại đại học Sài Gòn (1973), Cao học Triết Tây (1975), Thủ khoa Sư phạm Việt Hán (1974). Sau khi tị nạn chính trị tại Canada, tốt nghiệp Cao học Quản trị Thư viện tại đại học Montréal năm 1978.  Hiện sống và làm việc ở Montréal và Quebec City (Canada).

–         Thành viên sáng lập và tổng thư kí Trung tâm Việt Nam học và tạp chí Vietnamologica (Montréal, 1994 – 1997).

Tác phẩm chính:

  • Khung cửa sổ (thơ, Sài Gòn, 1972)
  • Lỗ Tấn và Truyện xưa viết lại (biên khảo và dịch, Nxb Xuân Thu, Hoa Kỳ, 1997)
  • Bốn mươi năm văn học chiến tranh 1957 -1997 (biên khảo, Nxb Đại Nam, Hoa Kỳ, 1997)
  • Văn học và thời gian (biên khảo, Nxb Văn nghệ, Hoa Kỳ, 2000)
  • Văn học Việt Nam thế kỉ XX: Một số hiện tượng và thể loại (biên khảo, Nxb Đại Nam, Hoa Kỳ, 2004)
  • Các bài viết đáng chú ý:
    1. Tiểu thuyết hay truyện kể
    2. Thơ Tô Thùy Yên, quán trọ hồn Đông phương
    3. Miền Nam khai phóng
    4. Thế kỉ tiểu thuyết
    5. Người và ta nhân bàn về thơ Gia nã đại pháp
    6. Tản mạn về tính dục và nữ quyền
    7. Từ viết đến phê bình
    8. Ngôn ngữ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh
    9. Nhân vật tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền
    10. Nguyễn Huy Thiệp: những chuyện huyền kì, núi, sông và nước
    11. Thơ hôm nay
    12. Vài ghi nhận về kịch
    13. Miền Nam đạo lí
    14. Đôi nét về văn học công giáo Việt Nam

Nguyễn Vy Khanh từng viết thơ, thừa nhận niềm yêu thích không khí tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền và lối viết của Nguyễn Đình Toàn (tác giả tiểu thuyết Con đường) nhưng sự học và quá trình làm việc của ông lại nghiêng hẳn về lĩnh vực biên khảo. Với tư cách là chuyên viên thư viện (librarian) ở Montréal và Quebec City từ năm 1978, quĩ thời gian của ông được dùng để “ôn cố tri tân” trong nỗ lực đi tìm sự thực và ghi lại cho thế hệ sau, nhằm thúc đẩy cái Mới cũng như niềm hi vọng về thống nhất nhân tâm và địa lí. Việc thống nhất nhân tâm và địa lí, theo ông, chỉ diễn ra khi những khúc mắc và vấn nạn lịch sử đã được nhìn nhận và giải tỏa, do đó, tâm niệm và ý chí biên khảo của ông được coi như một lợi khí . Nguyễn Vy Khanh có ưu thế nhờ vốn kiến thức cổ học, triết học khá thâm sâu, trên con đường biên khảo, ông còn được bảo trợ bởi những tư liệu xác tín mà ông được tiếp xúc hằng ngày thông qua công việc của mình dù không ít lần, ông coi việc kiểm soát thư tịch là công việc đa đoan và lẽ dĩ nhiên, nhập vai hậu sinh là kẻ phê bình tối hậu mọi nền văn học đã qua thật không dễ.

Sự trình bày tư liệu trong các công trình biên khảo của Nguyễn Vy Khanh có tính giáo khoa. Khi  nhìn lại lịch sử văn học quốc ngữ thời kì đầu, Nguyễn Vy Khanh lấy tiêu chí hiện tượng và thể loại văn học làm cơ sở, bởi theo ông, văn chương là đối tượng nguyên thủy tự tại, nó cần thoát khỏi cái nhìn sai lạc từ một ý thức hệ, một cao trào hay một khuynh hướng thời thượng. Tiếp nhận kiến giải của Roland Barthes về thực thể văn chương, Nguyễn Vy Khanh cho rằng những vận động, cách tân, thử nghiệm trong một giai đoạn văn học không hẳn đã chịu sự chi phối của lịch sử xã hội. Từ đó, ông kêu gọi phải trở về cội nguồn lịch sử để hiểu văn chương, mỗi thời đại phải trở về nguồn để đặt lại vấn đề, cập nhật một cách sâu xa. Trong hơn 135 năm văn học quốc ngữ, Nguyễn Vy Khanh ghi nhận vai trò khai phóng của các tác  giả miền Nam lâu nay hoặc bị lãng quên hoặc được đánh giá chưa đúng mức. Những phát hiện dựa trên cứ liệu văn bản phong phú đã giúp tác giả chỉ ra: nhiều thế kỉ và trường phái văn học thế giới đã chung đụng cùng văn hóa thuần túy dân tộc trong giai đoạn sơ khởi của văn học quốc ngữ và đặc biệt, với sự xuất hiện của độc giả, văn học quốc ngữ có trở nên có tính phổ thông văn chương hơn, có vai trò lớn trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, nâng cao dân trí.

Có lúc dường như Nguyễn Vy Khanh  vươn cao hơn giới hạn biên khảo của mình khi ông phác thảo một vài gương mặt tác giả, tác phẩm bằng lối phê bình theo đuổi lí trí, tìm đến khoa học. Ông không dẫn nhập nhiều lí thuyết nhưng vẫn dựa vào thực nghiệm lí thuyết, đôi khi chỉ dừng lại ở mức gợi ý, để làm mới những nét đặc sắc riêng trong từng trường hợp văn chương. Các bài viết về Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Huy Thiệp, về thơ hôm nay…có một sự tiết kiệm dung lượng nhất định so với các công trình biên khảo nhưng không thiếu đi nét chuẩn mực và cẩn trọng thường thấy, hơn nữa, lại mang nhiều kinh nghiệm giác quan hữu hiệu, lí thú.

Chú tâm vào văn học sử từ 1995, khởi đi từ nguyên tắc đi tìm chân thiện mĩ, tự nhận chỉ là nhà nghiên cứu nghiệp dư với bổn phận yêu quí sự thật hơn tình đồng hương, đồng ngũ…, Nguyễn Vy Khanh đã cho thấy những khía cạnh, giá trị văn hóa trong sinh hoạt văn học.

(Post bài này như một ngưỡng mộ người cùng cố quận)

12 responses to “Chân dung phê bình: Nguyễn Vy Khanh

  1. Tình cờ đọc được những cảm tưởng, nhận xét của ông về đôi công trình của chúng tôi, rất khích lệ, vì thế giới văn-chương đang như bị tầm thường, vật chất hóa.
    NgVyKhanh 1-3-2012

    • Việc đọc những bài viết/công trình của anh (xin phép được gọi như vậy) dù trong điều kiện hạn hẹp về tài liệu, nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng với MAT. Cảm ơn anh đã chia sẻ. Chúc anh niềm vui và nhiều sáng tạo.

  2. được đọc những công trình/bài viết của anh về văn học miền Nam từ cuối thế kỷ XIX đến những thập kỷ 70 của thế kỷ XX, với tôi, là một khám phá thú vị. Bởi vì nó được viết từ một người đã thực sự sống, trải nghiệm đời sống văn học miền Nam, điều mà thế hệ chúng tôi không có điều kiện trải qua và thực chứng.
    hy vọng là sau này, trong thời gian gần, sẽ tiếp tục được đọc những bài nghiên cứu tương tự.
    tiện đây, xin cho em được hỏi, em muốn đặt mua cuốn Sơ khảo lịch sử văn học quốc ngữ, ở VN hiện không có, anh có thể ship về VN giúp em không ạ? Cảm ơn anh

    • Gửi chị Pham Thu Huong: Có lẽ chị đang muốn trao đổi với nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh? Còn bài viết này về Nguyễn Vy Khanh, là của tôi, M.A.T. Tôi chưa hề viết về văn học miền Nam cuối thế kỉ XIX đến thập niên 70 của thế kỉ XX, và càng chưa hề có trải nghiệm đời sống văn học miền Nam.
      Vì thế, cuốn sách mà chị nói, tôi cũng không có.

      • vâng. Cảm phiền anh quá. đúng là tôi muốn trao đổi với nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh, qua trang web của anh. Xin lỗi anh, nếu như điều đó làm anh thấy phiền. Vì tôi đang làm nghiên cứu về văn học miền Nam từ cuối thế kỷ XIX, mà tư liệu thì khá thiếu thốn, nên khi thấy một học giả của miền Nam có những bài viết về giai đoạn văn học này, tôi đã mừng quá mà quên mất là gửi comment trên trang của anh. Dù sao cũng cảm ơn anh, vì qua đường link của anh, mà tôi đã liên hệ được với ông Vy Khanh.

    • Gởi chị Phạm Thu Hương: Tôi đang biên tập lại toàn bộ các biên-khảo về văn-học và các tuyển tập đã xuất-bản đều đã tuyệt bản. Nhiều bài viết của tôi có thể tham khảo ở các trang mạng sau:
      dunglac.org; namkyluctinh.org, hobieuchanh.com, binh nguyenloc.com, sangtao.org, …NVK

      • chào anh Nguyễn Vy Khanh. Hiện tôi đang hướng dẫn một NCS viết luận án tiến sĩ về Kịch nói và kịch thơ Vn trước 1945. Tôi đã bỏ nhiều công sức tìm văn bản “Tuồng cha Minh”, mà không tìm được (Có lẽ do mối quan hệ xã hội của tôi quá hạn hẹp). Sau khi đọc bài nghiên cứu của anh về Kịch hát và Kịch nói, tôi nghĩ anh có văn bản Tuồng cha Minh, nên mạo muội hỏi xin anh chia sẻ văn bản đó, nếu không quá phiền ạ. Hoặc, xin anh chỉ dẫn một nguồn nào đó có thể truy cập được văn bản này ở Việt Nam. Xin được cảm tạ anh.

      • Gửi Pham Thu Huong: một lần nữa, có sự nhầm lẫn ở đây: đây là bài viết của tôi về nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh, chứ không phải là blog của Nguyễn Vy Khanh. Tuy nhiên, tôi đã chuyển yêu cầu của chị đến anh Khanh. Hi vọng, anh ấy sẽ giúp chị.
        MAT

  3. Dạ con chào chú Tuấn,

    Con là Nguyễn Thế Cang, một người trẻ thuộc thế hệ 8x. Con biết về chú Nguyễn Vy Khanh thông qua những biên khảo về Trương Vĩnh Ký. Con muốn hỏi chú Khanh một số sử liệu về lịch sử liên quan đến Trương Vĩnh Ký, nhưng con không tìm được địa chỉ email liên lạc của chú Khanh. Con nhờ chú Tuấn chuyển lời đến chú Khanh giúp con. Con cảm ơn chú Tuấn trước ạ.

Bình luận về bài viết này