Xả hàng cuối năm


      Bố quyết định chia bốn hướng chủ lực đi chúc Tết. Anh cả tiên phong ở cấp phường, chị dâu đặc trách các ban bệ phụ nữ, anh hai quen thuộc giới thanh niên đoàn hội, mẹ chậm chân thì lo nhi đồng lão ấu, đích thân bố phụ trách cựu chiến binh lão thành cách mạng. Bố bảo chúc Tết là nghệ thuật cũng là chiến thuật, đừng quá bình dân mà phải tránh văn hoa, cốt nhanh gọn hiệu quả, biến mỗi lời chúc thành cam kết thuận lợi cho cửa hàng buôn bán của gia đình. Hai tiếng sau từng cá nhân trở về báo cáo, chỉ thiếu mỗi chị dâu. Sốt ruột, nghi vấn, đặt giả thiết, nêu cao niềm tin… nhưng vẫn mịt mờ tin tức.

Mãi xế trưa, chị dâu liêu xiêu vào nhà, mặt đỏ như gấc, anh cả bật dậy xét nét. Chị dâu tường thuật trận giáp lá cà căng thẳng với ông trưởng ban sinh đẻ vốn là tình nhân hụt ngày xưa. Chị chúc ông đáp, ông bắt tay chị né tránh, ông nâng chén chị cụm li, ông khen đẹp chị cúi mặt, chị nhắc khéo ông ậm ừ… Nhưng không gì cản trở việc chị nhét được phong bì vào túi ông nói anh tạo điều kiện, anh giúp đỡ, anh để mắt… Rồi chị khóc nấc. Bố vỗ tay, thôi thôi, hoan hô thắng lợi, cả nhà biểu dương và chúc mừng đi nào!

***

Cha đưa em lên thành phố, những bốn tiếng xe khách chen lấn, em mệt phờ. Cha bảo thích gì cha sẽ mua. Em chọn hai chú gấu bông, hai cái kẹp tóc, một chiếc ô – tô nhựa em nói về cho em trai. Cha lại dẫn đi ăn kem bờ Hồ, cuối đông hơi kem phả lạnh vào má, môi. Cha mỉm cười bảo hơn mười mấy năm trước cha đã gặp mẹ ở đây, mẹ cầm bốn que kem vừa thổi vừa ăn, cha thì ghì chặt ghi – đông xe đạp, sợ mất. Em bảo cha đưa em đi công viên, như ngày xưa mẹ nhõng nhẽo thế. Em ngồi ghế đu quay, em cưỡi ngựa gỗ, lái xe lửa, em đóng giả nàng tiên… Bữa trưa, cha gắp đầy bát em thịt gà rán. Em chẳng ăn, bắt đầu khóc, hất đổ bát cơm. Cha lẳng lặng kéo em đi. Rồi em khóc dữ hơn, trì người trên nền gạch. Cha bế xốc em, gõ cửa phòng khám, quyết định xóa tan hình hài mà em đã mang đằng đẵng tháng trời. Em không thấy gì nữa, chỉ nhớ mùi dao kéo tanh nồng và cú thọc sâu đau điếng ở bụng dưới. Em trở ra, hành lang tối om, mắt cha đỏ hoe, nhàu nhĩ. Cha lại cõng em ra bến xe. Cái Tết tuổi mười bốn của em đang về…

 ***

Chị đánh điện nói Tết về muộn vì công ty đắt hàng. Chị là công nhân may, làm ca, hai mươi tuổi, ở Sài gòn được dăm tháng, tháng nào cũng gửi tiền về, mẹ dúi sang tôi bảo tiền mồ hôi nước mắt chị mày đấy, cố mà học. Con bé đảm đang nhất nhà, trai làng dẫm nát ngõ đấy! Mà ở quê thì nghèo, rồi cả đàn em lít nhít nữa, nó mới đất khách quê người. Mẹ tôi luôn nói thế. Cha nhăn mặt nói đẻ con mà để con khổ thì cha mẹ mang tội. Tôi chẳng nói gì, chỉ cồn cào nhớ chị. Cứ nhìn tờ lịch cho đến ba mươi. Ba mươi là muộn còn gì. Nhưng đến chiều ba mươi, cả nhà ngồi chờ cơm mà chị vẫn chưa về. Giao thừa tôi co ro đầu ngõ, ngóng tiếng tàu đêm vọng lại từ ga xép, không có chị cầm tay đi một vòng quanh sân trong khoảnh khắc năm mới. Sáng mồng một, lúc nắng bắt đầu tinh khôi trút qua kẽ lá, chị ba lô tay xách nách mang dạ thưa mấy người hàng xóm. Cả nhà túa ra, vui như Tết! Chị khoác cho tôi áo mới, chỉ nhãn nói công ty chị này, tôi thấy cả mùa xuân phương Nam xa lắc xa lơ ngàn dặm.

 ***

Chị và tôi cùng chuyến tàu giáp Tết. Tàu chợ, toa cuối, từng thùng hàng cao quá đầu người. Tôi sinh viên đi vé chui, giằng co được cái ghế nhựa ngồi gà gật. Chị nói ra thành phố làm ôsin, xin mãi chủ nhà mới cấp phép ba hôm, như thời chiến. Chị vạch điện thoại, hai sim hai sóng, nói một sim của bà chủ, một của ông chủ. Bà chủ gọi nhắc cơm nước, giặt giũ, lau nhà, đón con, ngăn cấm người lạ. Ông chủ gọi nhắc về muộn, mở cổng, để ý con xe… Làm hai tháng, bà chủ phong “một sao”, nghĩa là được cầm tiền tự lo liệu theo kế hoạch. Ba tháng ông chủ phong thẳng “bốn sao một vạch” được phép làm mồi nhậu tiếp đãi khách quí. Chị lại xòe tay khoe vòng lắc ngọc bích kể chiến công phát hiện ông chủ tăng ca golf, giảm giờ ở nhà với vợ. Từ đó bà chủ huấn luyện cách phát hiện mùi nước hoa, màu cà vạt, dây thắt lưng, nhãn hiệu giày… lạ hay quen. Chị cười ngặt nói ôsin phải làm nhà hòa giải, giữ hạnh phúc cho người ta. Nhưng đời tréo ngoe buồn lắm. Chị về quê mà có nhà đâu. Thằng chả nhà chị cặp bồ rồi rước nó về ở ngon ơ.

***

            Sếp rủ anh em về quê mình ăn Tết. Dăm năm làm quản lí, lúc gần thuyên chuyển sếp mới nhã ý mời nên mọi người rất háo hức, phấp phỏng. Không ai bảo ai, mỗi người tự soạn một chương trình nào văn nghệ, nào khuyến học, ủng hộ người nghèo, tuyên dương người tốt… để địa phương, gia đình sếp biết tấm lòng cơ quan nồng ấm nhường nào. Sếp cầm lái, khoe đường vừa cải tạo khiến anh em toát mồ hôi vì mãi ngắm phong cảnh mà chịu những cú xóc ổ gà liên tiếp. Vợ sếp chạy nhao ra đón, trưởng phòng luống cuống đánh rơi thỏi son khi đưa tặng vì cận cảnh hàm răng đen nhức của bà chị mà bình thường sếp tiết lộ “vợ xinh nhất nàng”. Bữa cơm hai mâm, vợ sếp xắn quần chạy tiếp mắm tôm tự làm, lấn át mùi Chinsu hảo hạng mà phó phòng khéo léo đẩy vào thay thế. Sếp vận xà lỏn may ô, vỗ đùi móc răng như thuở hàn vi đồng ruộng. Thư kí ho sù sụ, lấy tay che ngực vì vợ sếp trầm trồ khen cái yếm màu hồng của em rất chi nà nổi bật, ông nhà tôi mấy lần giục cách mạng thời trang mà tôi vẫn cứ thả rông cho sướng. Chánh thanh tra khúm núm báo cáo chị sếp chúng em mẫu mực đến cả cái cúc áo, tuyệt đối cấm bikini bãi biển. Vợ sếp hỉ mũi cầm đũa chỉ mặt sếp nói ông này khen tôi là đồ thật chứ không Đồ Sơn đồ điếc gì đâu. Mọi người hò reo chị thật sáng suốt, chúng em đã từng bị sếp cảnh báo dùng đồ giả, đồ nhái, đồ nâng cấp là phương hại tiền bạc và sức khỏe

2 responses to “Xả hàng cuối năm

Bình luận về bài viết này