Nguyễn Huy Thiệp: Không ai lí giải được gì về nó, cái sự sống vô cùng vô tận ấy


Khát khao và cố gắng nhận thức thế giới là một đặc điểm nổi bật của các nhân vật trong truyện Nguyễn Huy Thiệp. Theo lẽ tự nhiên, nhu cầu này được bộc lộ ngay từ thời thơ bé của con người. Chảy đi sông ơi bắt đầu khi người kể chuyện nhắc lại tuổi thơ muốn biết thực hư chuyện về con trâu đen lạ kỳ: “thâm tâm, tôi vẫn ước mong nhìn thấy con trâu, biết đâu tôi sẽ chẳng được hưởng điều kỳ diệu?”.

 Điều kỳ diệu, như món quà bất ngờ của tự nhiên, của con sông đó, một cách tự thân, chiếm lấy tâm trí cậu bé, điều khiển mọi hành vi táo bạo nhất “mặc kệ sách vở và những lời khuyên của mẹ”, ra sức xin xỏ đám thuyền chài hung dữ để tận mắt nhìn thấy trâu đen. Tại sao, ngay từ đầu, người thuật lại câu chuyện mà ta đang liên tưởng là hành trình tìm kiếm sự thật ấy, đã ý thức đó chỉ là “truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen” nhưng vẫn bất chấp tính mạng đuổi theo? Và tại sao, khi đã trưởng thành, “làm công chức ở Sở, lấy vợ, đẻ một đàn con đông đúc”, cuộc sống trưởng giả no đủ, người kể chuyện “bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao” và gào lên chua xót “con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?”

Vấn đề con người nhận thức thế giới như thế nào, bao gồm tự nhiên và xã hội, là đối tượng chuyên chú của nhiều trường phái triết học, trong đó có triết học Marxist. Việc triết học Marx đề cao khả năng nhận thức, lý tính, duy vật biện chứng và rằng lịch sử được làm ra bởi con người, không phải do định mệnh hay bàn tay Thượng đế, đã truyền cảm hứng lớn đến đông đảo tầng lớp lao động, nhất là giai tầng vô sản. Chịu ảnh hưởng học thuyết của K. Marx (1818-1883), văn hóa văn nghệ nước ta, trong một thời gian dài, chủ trương và theo đuổi xây dựng kiểu con người mới, với vị thế trung tâm, có nhiều phẩm chất phi thường trong việc chinh phục, cải tạo tự nhiên, trong ý chí và hành động thay đổi xã hội. Những hình tượng nghệ thuật, một cách tương đồng, là một hình thức đặc biệt ghi lại các thành quả nhận thức hiện thực của con người. Và để điều này càng thuyết phục, các “nhà văn cán bộ”, ngoài sử dụng các câu chuyện “người thật việc thật”, các “gương điển hình” vốn ra đời từ các phong trào thi đua lao động, chiến đấu, thì, như một nghịch lí, họ cũng không ngại lấy những tưởng tượng của mình để bồi đắp vào một công thức có sẵn. Chẳng hạn, theo Ngô Thảo, “Hồ Phương có Chúng tôi ở Cồn Cỏ mà không ra đảo”, vượt qua yêu cầu đi thực tế đang là bắt buộc lúc bấy giờ[i]. Theo Bùi Ngọc Tấn, trong thập niên 1970, “mọi đơn đặt hàng đều là truyện kí. Một thứ người thực việc thực được văn nghệ hóa, có tả cảnh, tả tình, có đối thoại, một thứ văn chương tổ đội” nên những người viết thuê chấp nhận “đề tài gì cũng được” miễn rằng “phải cung cấp tài liệu”[ii].

Dường như không bỏ qua quan điểm của Marx về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong Những người thợ xẻ, Nguyễn Huy Thiệp đã để nhân vật Bường, điển hình của dân “lao động chân tay”, nhắc lại bài học sách vở: “chủ nghĩa tư bản nó có cái đểu là lấy tiền và gái để bóc lột giá trị thặng dư, nó làm cho các bác vô sản nhà ta mất hết của cải và tinh lực. Đả đảo chủ nghĩa tư bản thối nát!”. Bởi giọng điệu mỉa mai, ta hiểu rằng, đây không phải là sự cộng cảm bề mặt mà là chủ ý trích dẫn sai để bộc lộ tâm trạng phẫn hận tự bên trong. Nguyên nhân căn cốt dẫn đến tâm trạng này là vì Bường, cũng như tập hợp những nhân vật có lí lịch tương tự, không thấy thế giới bên ngoài tuyệt đối lý tưởng và có thể nhận thức trọn vẹn, cải tạo theo ý muốn. Tình thế của đám thợ xẻ do Bường chỉ huy nơi rừng thiêng núi thẳm là “vừa nhỏ bé, vừa cô đơn, lại liều lĩnh, mà bất lực, thậm chí vô nghĩa nữa”.

Khó có thể nói rằng Nguyễn Huy Thiệp, trong điều kiện bị hạn định kiến văn, đã chịu ảnh hưởng của một triết thuyết phương Tây cụ thể. Nhưng ít nhiều, với mức độ ngấm ngầm, Nguyễn Huy Thiệp đã tham chiếu F. Nietzsche (1884-1900), triết gia gần như phủ nhận các thần tượng tượng trưng chân lý, giá trị[iii]. Trong cái nhìn của Nietzsche, mọi chân lý đều không thể tồn tại vĩnh cửu, “một cơn gió thổi qua rặng cây… và trái chín rụng tơi tả: những chân lý” và vì thế, cái gọi là “thế giới chân thực” như là kết quả của nhận thức, đều không đáng tin, một ý tưởng đã trở nên vô tích sự, dư thừa”[iv]. Nietzsche hướng tới quan niệm biến dịch siêu hình khi coi cái hữu thể chỉ là ảo tưởng, còn cái biến dịch mới hiện hữu. Héraclite trở thành ngoại lệ được Nietzsche tôn trọng vì triết gia này đã tin vào biến dịch, vào Hiển thể và những gì giác quan thu nhận, coi Hữu thể chỉ là một ảo tưởng rỗng tuếch. Ở đây, như một diễn tiến hợp lý, Nguyễn Huy Thiệp hứng thú Nietzsche vì đã bắt gặp trở lại triết học Lão Trang mà ông từng tiếp nhận, qua điểm tương đồng tư tưởng giữa Đông và Tây về lẽ biến dịch. Điều này cho phép tôi nghĩ rằng, không phải phép biện chứng duy vật mà biện chứng của tự nhiên mới làm Nguyễn Huy Thiệp mô tả thế giới, vạn vật trong sự lưu động biến hóa.

Trong nhiều mô tả, ông đã chủ tâm gài cắm thuyết vạn vật hóa sinh thông qua hình ảnh thiên nhiên:

-“Ít phút sau, bầu trời sầm lại. Tất cả trở về như cảnh sắc cũ trước đây. Tôi rùng mình, đau đớn, nhận ra thế giới xung quanh tôi nhợt nhạt, tội nghiệp quá” (Những bài học nông thôn);

-“Mặt sông chuyển sóng. Màu nước xanh sậm hơn. Rồi màu nước xanh sậm chuyển sang màu nhờ đục” (Thiên văn)

– “Phúc họa thường vẫn đi kèm như hình với bóng. Ý nghĩa phù du của cuộc sống cho đến một lúc nào đó ai cũng hiểu ra” (Quan âm chỉ lộ)

Nhận thức thế giới theo lẽ biến dịch, một mặt, gợi dẫn nhà văn nhìn vạn vật đều bình đẳng, không biện biệt đối lập nhị nguyên, mặt khác và quan trọng hơn, thỏa mãn tri nhận đời sống là phù du, vô nghĩa nếu chỉ đuổi theo dục vọng. Đến văn chương Nguyễn Huy Thiệp, sự “vô nghĩa” của đời sống được đề cập trở lại, sau rất nhiều tuyên ngôn khẳng định chắc chắn rằng “những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả” (Chế Lan Viên) của văn học thời chiến. Từ “đẹp” đến “vô nghĩa” là điểm khác biệt căn bản của hai thời đại tư duy, báo hiệu một lối rẽ tìm về phía những phán đoán, những mơ tưởng, những cách xâm nhập hiểu biết không bằng định đề, chân lí hai năm rõ mười, mà bằng những xúc cảm mơ hồ, không chắc chắn, thiếu lí lẽ xác quyết. Hình ảnh “con trâu đen” nhắc đến ở trên chính là cột mốc của ngã rẽ âm thầm nhưng chủ động trước này.

Như vậy, câu hỏi về thực tại mà nhà văn đặt ra, dù không hoàn toàn xuất hiện trong mọi câu chuyện, có lẽ là mối băn khoăn mang tính triết học nhiều hơn thuần túy khai thác một đề tài thông thường. Từ nhận thức thực tại tiến đến nhận thức bản thể, sau nhiều quanh co với vô số đích ngắm, vẫn là con đường chung của triết gia và nhà văn. Trong các dẫn chứng trên, “nhận ra”, “thấy”, “hiểu” là những động từ biểu thị sự vỡ lẽ nhận thức, và đi kèm với chúng, là chuỗi kinh nghiệm tiếp xúc thực tại không phải bằng “lý trí” mà bằng trực giác, một cách thức được Trang Tử đề cao vì nó có thể đi vào trung tâm sự vật, tức thời nhận ra ngay mối liên quan giữa các sự vật. Khi đó, trái ngược với cách tạo câu trần thuật ngắn, thường chỉ có cặp chủ vị khi dẫn chuyện hoặc đối thoại, trong các câu diễn tả sự thức nhận thế giới hoặc khái quát hóa một đối tượng cụ thể, hàng loạt tính từ chỉ cảm giác đột ngột xen vào, cho thấy trạng thái nội tâm bất thường đang dần chiếm chỗ:

-“Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất – Anh cay đắng nghĩ” (Chút thoáng Xuân Hương);

– “Tôi rùng mình, đau đớn, nhận ra thế giới xung quanh tôi nhợt nhạt, tội nghiệp quá (Những bài học nông thôn);

-“Tôi cười đau đớn” (Con gái thủy thần);

-“Tôi đi xem thiên hạ đào vàng, vừa khinh bỉ, vừa đau đớn, vừa buồn cười” (Đời thế mà vui);

– “Khi quan sát con người, Vũ đau đớn khi chàng chỉ toàn nhận ra những nét súc vật ở con người (Bài học tiếng Việt)

 Cùng với “vô nghĩa”, thì “cay đắng”, “đau đớn” là sự trỗi dậy của một phần tri giác tưởng như đã khuất lấp sau nhiều năm tháng văn học chỉ dành cho những phát hiện ở tầm vĩ mô, bao quát có thiên hướng ngợi ca, khẳng định. Không cùng trường ngôn ngữ chỉ phẩm tính “anh hùng”, “vinh quang”, “vĩ đại” nhưng “cay đắng”, “đau đớn” là cần thiết để tiết lộ khuôn mặt tinh thần của xã hội hậu chiến đang hỗn dung nhiều cảm xúc trái chiều, là nguyên ủy sâu xa khiến cá nhân tìm đến những hình thức an chú nội tâm. Đi tìm “con trâu đen” huyễn hoặc là một dạng thức như thế. Bởi nó sẽ khỏa lấp nỗi nhọc nhằn, tẻ nhạt, buồn chán của cuộc sống nơi bến sông nghèo nàn. Và quan trọng nhất là được cảm nhận tình yêu thương, sự an ủi của ân nhân cứu mạng: chị Thắm, người duy nhất ấp ủ niềm tin rằng con trâu đen có thực. Khi người kể chuyện trưởng thành, khi anh ta trở nên trưởng giả, đã nếm trải “bao điều phù du” của cuộc sống thành phố, thì những niềm tin kia phai nhạt dần. Chị Thắm cũng không còn. Thế giới thực tại, từ bến Cốc, cây gạo và những con cá mòi vẫn như cũ, nhưng theo lẽ biến dịch, nó không còn là thế giới như trong quan sát của tuổi thơ. Nỗi đau đớn vì sự biến mất, một sự biến mất khó lường của những kỉ niệm đẹp đẽ, làm nhân vật thức tỉnh, thấy cuộc sống hiện giờ vô nghĩa. Tự bản chất, vô nghĩa ở đây mang một ý nghĩa khác: sự no đủ vật chất, thói quen thực dụng truy theo “bao nhu cầu thiết thực” không hề mang lại cảm giác được che chở, bảo trợ. Chỉ có tâm ý mơ mộng, huyễn hoặc, chính xác hơn là một đức tín nguyên thủy mới đem đến cơ hội hưởng điều kì diệu. Đây có thể coi là dấu chỉ của việc tự mình trưởng thành, bằng cách đối lập triệt để với các khuôn mẫu, bài học sống đã từng chắc chắn, và bằng, dưới vẻ bi quan khác thường mà tỉnh táo, chấp nhận cả sự thất bại, thua cuộc, không vươn tới bất kì “ý nghĩa” nào như người đời hằng mong muốn.

Cái chết của Thắm là bất khả giải thích (“Nhà Thắm cứu được không biết bao nhiêu người ở khúc sông này[…] Thế mà cuối cùng nó lại chết đuối mà không ai cứu”). Cũng không biết con trâu đen của thời thơ ấu nay ở đâu. Sự bất khả tri của con người trước nhiều vấn đề, hiện tượng đời sống, sau hết, lắng lại trong những đúc kết thường xuyên và thẳng thắn nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Sức cố gắng tìm biết của con người, theo ông, không thay đổi được điều gì, không làm cho thực tại biến cải. Về cơ bản, thực tại vẫn hiện hữu trong trạng thái hỗn độn, vô minh của chính nó: “Chúng ta tìm tòi, hiểu biết, để cố gắng thoát ra khỏi vô minh. Trong khi đó, vô minh là trường cửu, là vĩnh viễn. Học vấn, tri thức hóa ra nực cười” (Những tiếng lòng líu la líu lo). Thái độ hoài nghi công dụng “học vấn, tri thức” ở đây không phải để phủ nhận hoàn toàn hoạt động trí óc mà chủ yếu để nhấn mạnh giới hạn trong những sự hiểu, “nhận thấy”, “nhận ra” của mỗi cá nhân. Con người, thoạt tiên, tưởng rằng lý tính sẽ thâu tóm được thực tại, sẽ soi sáng toàn bộ các cấu xã hội và tâm tính nhân loại, nhưng càng lúc, sau quá trình tự nghiệm, càng “nhận ra” (recognizing) sự bất khả của mình. Có thể ở đây Nguyễn Huy Thiệp đã tái sử dụng hàm ý “vô minh” trong Phật giáo nhưng cũng phải thấy, một lần nữa, ông là mẫu nhà văn đối kháng với thứ văn học của chủ nghĩa duy lí khi khơi gợi triết thuyết bất khả tri (agnosticism) từng bị phê phán, loại bỏ. Trong hình dung của ông, “toàn bộ thế giới được xây dựng trên sự ngẫu nhiên lộn xộn không có qui tắc nào cả. Con người vốn dĩ yếu đuối, họ tự phỉnh mình bằng những lập luận có lí để có ảo tưởng tự tin hòng sống qua kiếp người gian khó trầm luân” (Những người muôn năm cũ). Như thế, nếu chỉ bổ đôi thế giới sự vật thành cái đã biết và cái chưa biết, phân loại rành rẽ “âm dương, thiện ác, phải trái, đúng sai, xấu tốt, trẻ già, trên dưới” thì con người, nhà văn kết luận, “mãi mãi vướng vào các sợi dây của những mối quan hệ không cân bằng, tất yếu sẽ nhầm lẫn và rối bòng bong. Sự nhầm lẫn chồng chéo lên nhau, khiến con người mãi mãi bất khả tri” (Bài học tiếng Việt). Bất khả tri, dù theo mức độ nào, đều bị tư duy lí tính phê phán vì nó không cùng con đường với kinh nghiệm và thực tiễn, hoặc lờ đi sức mạnh của khoa học đã tựu thành. Và nhất là, nó từ chối các xác quyết khách quan về bản tính thật của sự vật, của thực tại. Trong điều kiện Việt Nam sau 1975, nhà văn nói về bất khả tri cũng chính là tự thú những lúng túng, mơ hồ, nhầm lẫn của mình khi phải quan sát, lí giải thực tại.

Nguyễn Huy Thiệp thừa nhận sự bất khả tri vì ông đồng thời nhận thấy con người còn “yếu đuối”, thực tế đời sống của mỗi cá nhân là một “kiếp người gian khó trầm luân”, “tối tăm và đói kém”, các thứ lí tưởng thì “phù du”, còn “khát vọng tìm kiếm cuộc sống” được thời đại coi trọng thực ra còn ẩn chứa một con “quỉ dữ” luôn “ích kỉ, cô đơn, bị làm nhục, nó hoài nghi đủ thứ, dè chừng đủ thứ, vụ lợi và đê hèn” (Con gái thủy thần). Quan sát tính chất “quỉ dữ” của đời sống thế tục và con người sẽ là công việc nặng nề của những nghệ sĩ muốn nói hết “sự thật”, trình hiện những thực tại chưa biết, không giản đơn lí giải. Khi Nguyễn Huy Thiệp dùng các động từ “nhận thấy”, “nhận ra” là ông cũng đã tự đặt mình trong những nỗ lực tri thức ở mức tương đối đúng và khó thành chân lí.

 “Không ai lí giải được gì về nó, cái sự sống vô cùng vô tận ấy” (Những người thợ xẻ). Ta hiểu đây là điều bình thường vì mọi ép buộc phải dẫn dắt, trao tận tay chân lí khả tín cho người đọc quả có “lớn lao” so với thực lực của nhà văn.

[i] Ngô Thảo.2011. Dĩ vãng phía trước. NXB Hội nhà văn. Hà Nội, tr.69

[ii] Bùi Ngọc Tấn.2012. Viết về bè bạn. NXB Hội nhà văn. Hà Nội, tr.69

[iii]Một cách trực tiếp, Nguyễn Huy Thiệp đã dựa vào F. Nietzsche để phát triển quan điểm của mình một số tiểu luận, nổi bật là Con đường của nhà thơ (coi nhà thơ/nghệ sĩ phải là những nhà tâm lí), Cười lên đi (coi con người là động vật duy nhất biết cười), Trở lại tự nhiên (coi người nghệ thuật là một sự thổ lộ bản thân. Và trong khi thổ lộ, thì khó khăn nhất là thổ lộ các trạng thái tình dục), Tính dục trong văn học hôm nay (bắt buộc chống lại bản năng là bất khả. Hạnh phúc và bản năng là đồng nhất)… Ta cũng có thể thấy một sự tương ứng giữa việc Nietzsche đề cập đến “bốn sai lầm trầm trọng” (sự lẫn lộn nguyên nhân và hậu quả; sai lầm về một giả nguyên nhân; sai lầm về những nguyên nhân tưởng tượng; sai lầm của tự do ý chí ) và việc Nguyễn Huy Thiệp chỉ ra bốn “trùm mafia” và những “nhầm lẫn” của nhà văn.

[iv] Friedrich Nietzsche. 2014. Buổi hoàng hôn của những thần tượng, Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu.NXB Văn học. Hà Nội, tr.57

Bình luận về bài viết này