Lại nghĩ về dạy học vùng cao


            1/Những ai đã từng dạy học vùng cao – nghĩa là những vùng thâm sơn cùng cốc, nghèo khổ và hoang vắng y hệt Thung lũng hoang vắng, dù ít ỏi như mình thì khi được rời xa để về đồng bằng hay thành thị, sẽ chẳng thể quên những gì vừa trải nghiệm. Thậm chí, với tất cả thời gian còn lại, bất chấp đời sống cá nhân đã có nhiều đổi khác theo hướng phồn hoa hiện đại hơn, kí ức về bục giảng mái trường vùng cao vẫn cứ hiển hiện một cách khó cưỡng.

            Thời điểm mình bị điều lên dạy học vùng cao thì nói chung, tâm thế xã hội vẫn coi đó là một án đi đày thực sự. Có ba lí do khiến họ nghĩ như thế: Một, rừng núi heo hút đường sá xa xôi cách trở, chưa đến mức biệt lập nhưng cứ nghĩ đến dăm tuần vài tháng mới về thăm nhà cũng đã là biền biệt mặt mũi người thân gia đình rồi. Hai, chẳng biết dạy cái gì ở nơi bốn bề âm u sương khói, giữa mấy căn phòng tạm bợ thưng gỗ trát đất cùng mấy mươi đứa trẻ nheo nhóc, cơm chưa đủ no áo chưa đủ ấm. Ba, dù gì thì chính sách đãi ngộ của Đảng và nhà nước vẫn chẳng bù đắp được nỗi cô đơn mòn mỏi mà tuổi đương xuân phải chịu, lắm lúc quá lứa lỡ thì, tránh sao chuyện sa ngã trai trên gái dưới!

            Nhưng khi đã là giáo khổ vùng cao, người ta lại có đủ đầy niềm vui, nỗi buồn, sự đồng cảm yêu thương mà chẳng môi trường nào cho họ như thế cả. Dạy học vùng cao cũng có 3 điểm đáng để tự hào: Một, tự do và hơn cả tự do, được sống hồn nhiên, thành thực với rừng núi sông suối. Đánh nhau, chửi tục nói bậy rồi hú hí lang chạ như thuở khai thiên lập địa. Hai, nghĩa khí ngất trời, đồng cam cộng khổ, nhường cơm sẻ áo. Chẳng phải vì mưu toan nghiệp lớn mà chủ yếu để chống lại giá rét, sợ hãi và buồn chán. Ở ngôi trường vùng cao nào hình như cũng đều có chất hảo hán, vừa chống lại cấp trên vừa nhanh chóng đi đến các thỏa hiệp, cốt sao an thân nhẹ việc. Ba, đồng lương vùng cao từ ngày có trợ cấp đã vọt lên trông thấy, xứng đáng được ghen tị. Bây giờ nhiều người tranh đi dạy vùng cao vì ở đó lương ngang với lao động xuất khẩu Hàn Quốc!

            Cũng có những chuyện mà chỉ người dạy vùng cao mới biết. Đầu tiên là “quan hệ giữa các đồng nghiệp” luôn tạo ra những tình huống thú vị. Những mối tình chủ ý hoặc ngẫu nhiên xẩy ra ở khu tập thể vùng cao thì hoặc do nhà dột, vách thưa hoặc do đường trơn lầy lội, hoặc do đèn tắt gió lùa. Cá biệt còn do “vê kép xê” WC hỏng. Nhiều anh hùng niên thiếu bị chôn đời trai chỉ vì trót dại gục lên vai các chị cắm bản lâu năm mà khóc lóc kể tội các em chân dài phụ bạc dưới xuôi ra sao. Cũng nhiều trường hợp cơi nới thành công, sinh thêm con trai/gái theo ý muốn nhờ chén rượu bữa cơm cuối tuần vắng vẻ. Cá biệt có trường hợp một mình nuôi trẻ mà các trẻ ấy hao hao các thầy trong trường, ai cũng bế cũng bồng hôn hít nâng niu. Vui thế mà buồn cũng vì thế.

            Các quan chức giáo dục Việt Nam chưa bao giờ xuống tận vùng cao nên mới đề ra hết hai không rồi cải cách nọ đổi mới kia. Nếu ở những trường thuộc diện mười lăm hai mươi cây số đường rừng mới đến thì thật khôi hài và bất nhân nếu cứ lảm nhảm nói không với tiêu cực và bệnh thành tích. Mọi thứ cao siêu vĩ mô chỉ làm khoái khẩu cho những thân hình bệ vệ xe đưa xe đón. Còn ở vùng sâu vùng xa, học sinh chỉ có bưới đất nhặt cỏ, xác xơ bi thảm như một bãi phân khô mà thôi.

            2/ Cảnh học sinh vùng cao đi nhặt phân bò khô như nhặt chính thân phận các em vậy, một cách trực tiếp, đã được lên sóng trên chương trình Đèn đom đóm của VTV2. Những ngôi trường tồi tàn, trống huơ trống hoác, thua kém cả “chuồng trại” thời hợp tác xã xây dựng xã hội chủ nghĩa, ngạc nhiên thay, lại nhiều vô kể giữa thời điểm mà ngành giáo dục đang có ý muốn vươn tầm quốc tế. Thật đắng đót khi nghe lời kể của các em về cách đã phải nhịn ăn bớt mặc như thế nào để là con ngoan trò giỏi, đặng tiếp tục đến trường, một nơi có thể đang nhận được những chiến lược quốc sách hàng đầu.

            Giữa lúc mọi tầng lớp khán giả náo loạn với xe hơi nhà lầu ngực to chân dài mà VTV2 nghĩ và làm được những chương trình như Đèn đom đóm thì thật khác biệt. Đèn đom đóm hẳn phải là sản phẩm của người có học tử tế và có tấm lòng rộng rãi.

            3/ Khi lòng rộng rãi, ta vẫn hình dung về những đoạn đường vùng cao đã không còn quá lạ lẫm và đôi lần thăm thẳm trong từng câu viết mênh mông.

(Nhớ những lời tâm sự của học viên lớp Văn K.2 Hòa Bình)

14 responses to “Lại nghĩ về dạy học vùng cao

  1. Đọc xong bài này em thấy hơi buồn thầy ạ.
    Nhưng thầy hãy tin vẫn có những người học tại chức ko giống vậy đâu!

      • Có lẽ cần ít nhất 2 điều kiện: (1) Bạn phải tốt nghiệp một trường liên quan đến sư phạm/giáo dục; (2) Nộp hồ sơ đăng kí tại địa phương mà bạn cho là có nhiều cơ hội để lên vùng cao dạy học

  2. em cũng đang học ngành sư phạm tiểu học em cũng muốn lên vùng cao dậy học. vậy nộp hồ sơ trong khoảng thời gian là bao lâu thì mới được đi dạy ? có phải chờ lâu lắm không ? em định nộp hồ sơ vào tháng 12 này.

    • Bạn phải theo dõi thông tin tuyển dụng hồ sơ tại Sở giáo dục của tỉnh bạn hoặc tỉnh khác. Bạn cũng trình bày nguyện vọng được lên vùng cao. Như thế mới rõ được.

  3. Thầy ơi, em dạy học vùng cao, nhưng chưa được vào dạy trực tiếp những vùng khó khăn. Đọc bài thầy viết, em thấy buồn quá. Tất nhiên, GV dạy xa nhà, đời sống thiếu thốn, nhưng em tin vẫn còn rất nhiều người sống đúng lương tâm, trách nhiệm. Em có được đi giao lưu, dự giờ một vài tiết của các thầy cô dạy ở vùng khó khăn, có cái vui, có cái buồn…thầy ạ. Nhưng biết làm thế nào, chả lẽ lại bỏ nghề ư?

    • Có lẽ bạn nên trực tiếp hỏi nơi tuyển dụng hồ sơ. Dù học chứng chỉ sư phạm nhưng còn phải tùy thuộc vào nơi tuyển cần chuyên môn/ngành nào.

  4. Thầy bật mí giúp em nơi vùng cao nào thiếu giáo viên được không ạ,em muốn được lên vùng cao giảng dạy.Em xin cám ơn thầy.

    • Quả thật là mình không biết vùng cao nào thiếu giáo viên. Mình viết đoạn này như là một kí ức về những trải nghiệm của mình thôi. Có lẽ bạn nên đến tận Sở GD của các tỉnh miền núi.

  5. Thầy ơi, em vừa tốt nghiệp một trường kinh tế, nhưng em lại muốn đi vùng cao dạy học, như vậy có được không hả thầy???

    • Hoàn toàn có thể được, nếu bạn có thêm chứng chỉ sư phạm và ở vùng cao mà bạn định đến có một trường về kinh tế – kĩ thuật chẳng hạn.

  6. Có khi chỉ đọc một bài viết mà muốn làm bạn với người viết.
    Cũng thật vui và ngạc nhiên khi có nhiều bạn trẻ có tâm huyết như vậy. Ngay bản thân các trường đào tạo chuyên ngành sư phạm nên kết nối với những địa phương có nhu cầu lớn về giáo viên theo từng cấp học để cung cấp những kênh thông tin giúp các bạn sinh viên biết và định hướng công việc tương lai của mình.

Gửi phản hồi cho ThúyHà Hủy trả lời