ĐOẠN TUYỆT, 80 năm


            Một cách hay ho để văn học Việt Nam hiện chừ không bị im ắng mãi như làng Đông Xá ấy là hãy tạo ra vài vụ rục rịch mâm cỗ giỗ chạp. Năm nay, gì thì gì, vẫn rất nên có một cỗ riêng cho Đoạn Tuyệt. Nhiều khách văn U80 trở lên hẳn sẽ cầm chắc khăn mùi soa, để lau mắt mũi kèm nhèm thì ít, mà để giữ chặt hàm răng giả nếu lỡ xúc động hồi cố cái thời ăn phải bã mấy pha tình ái yêu đương nổi loạn của Tự lực văn đoàn.

            Tục lệ mới đang mốt trên mấy tờ báo văn chương văn nghệ bây giờ: luôn trổ hết biệt tài khen hay một tác phẩm dở và ra sức làm dở một tác phẩm hay. Trong cái sự loằng ngoằng này, khó nhất vẫn là làm thế nào mà các tác phẩm hay có thể cho biết những nhà phê bình dở.      Đoạn Tuyệt, 80 năm qua, chừng như cũng là món chính của nhiều nhà phê bình dở. Một tác phẩm hay và quan trọng như vậy nhưng xem ra không phải lúc nào cũng được thưởng thức đúng cách, đúng kiểu.

            Hỡi ôi, tài kém đức mọn, lương ít bổng không, nhà dột con dại, bụng phệ lưng còng, chữ Tây dốt chữ ta nghèo, mỹ nhân ít khi ngó tới tài tử chẳng dám ngoái trông, quanh năm gối đầu thùng gạo suốt tháng leo xe buýt điên khùng… Cảnh như thế, vẻ như thế, sao đủ trí lòng “đoạn tuyệt”?

            Chẳng qua nông nổi, xin xá từ xa.

  —

Trên Phong Hóa số 17, ra ngày 13/10/1932, nghĩa là gần một tháng sau khi chính thức cầm trịch tờ báo này, Nhất Linh đã mở đầu một chuyên mục rồi đây sẽ được kéo dài và có nhiều người tham gia, kể cả độc giả: “Phụ nữ”. Lời bàn đính kèm của Nhất Linh lúc đó là về “ái tình”: “[…] Chị em không biết rằng: ái tình có sức mạnh như bão táp, phong ba, nó cuốn mình đi rồi không trở lại được nữa […] Hạnh phúc chị em vẫn biết là ở trong một cái gia đình êm thấm mà bổn phận chị em là giúp đỡ người chồng, yên ủi chồng lúc buồn bã vì thua thiệt trong trường cạnh tranh, khuyên nhủ chồng nên cố đạt lấy những điều hoài bão tuổi hoa niên”. Hơn hai năm sau, cũng trên Phong Hóa, số 124, ngày 16/11/1934, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh xuất hiện, chấm dứt kiểu khuyên răn đạo đức nhẹ nhàng ấy và trình diện một tinh thần vô cùng mới: mỗi phụ nữ, hãy chấm dứt những bổn phận tòng thuộc chồng, để tự định đoạt lấy cách sống và giá trị của mình. Loan, người phụ nữ của Đoạn Tuyệt, từng dòng một, không cúi chào độc giả bằng những lời lẽ quen tai.

            1934 là năm của những hành động đầy chủ đích trên Phong Hóa. Phép thử Nửa chừng xuân từ đầu 1933 vừa dừng lại thì tháng 1/1934, Khái Hưng và Nhất Linh, một kết hợp xứng đáng điển phạm, đăng in Gánh hàng hoa, củng cố ý hướng lựa chọn bình dân,  chối từ trưởng giả. Tháng 2 xuất hiện chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” và từ đây, Le Mur Nguyễn Cát Tường sẽ kiên tâm theo đuổi cuộc cách mạng y phục dành cho nữ giới, báo hiệu sự trỗi lên bất khả kìm hãm của nhu cầu làm đẹp và ý thức xây dựng hình ảnh thân thể. Tháng 3 công bố tôn chỉ, một thứ cương lĩnh văn chương không thể sáng rõ hơn nên sẽ thực sự nhanh chóng đi hẳn vào sáng tác, của Tự lực văn đoàn. Cũng tháng 3, Đời mưa gió, xã hội tiểu thuyết, thổi ào ạt trên những vòng kim cô tiết hạnh chưa hề được tháo gỡ lúc đó, và bất ngờ lộ diện kẻ chủ mưu gây hấn trật tự gia phong trong cặp đôi, – lần này được đảo vế, Nhất Linh và Khái Hưng. Tháng Tư Nhớ rừng. Tháng Năm cho biết Thể lệ giải thưởng Tự Lực văn đoàn. Tháng Bảy hiệu triệu Cải tạo thôn quê. Tháng Tám mùa thu êm dịu Nắng thu của Nhất Linh đứng riêng một mình. Tháng Chín, bộ sậu chủ lực của Phong Hóa tính kế phòng thân, bắt đầu quảng cáo Ngày Nay, tờ báo sẽ có hơn năm năm tồn tại, với 224 số, đuổi theo tinh thần “khác hẳn các tờ báo hiện có ở nước Nam”. Tháng Mười dành để châm chích “nghị viện”, nơi mỗi thân danh chỉ là một quân cờ đoạt tranh ngôi vị. Cuối năm, sau khi giễu “sự tích con rồng của người An Nam”, không muốn độc giả đợi lâu, Tiêu sơn tráng sĩ lên tiếng, một dịp để Khái Hưng lấy lịch sử làm nền cho tình yêu và chuyện quốc gia đại sự. Bị cuốn theo hàng loạt diễn biến dồn dập trên và tuy thực sự rất khó quên các bìa màu hí họa, các pha gặp gỡ khôi hài giữa Lý Toét và Xã Xệ, các bài thơ mới, các đoản thiên luận bàn thời cuộc…, độc giả Phong Hóa của 1934 hẳn vẫn phải nằm lòng Đoạn Tuyệt. Cho dù đến giữa tháng 5/1935, Đoạn Tuyệt mới kết thúc, nhưng ngay từ đây, vào tháng 11/1934 đó, “đời cô Loan” mãi mãi đã là một câu chuyện lạ lùng, rất có thể sẽ làm mờ đi những cô Tố Tâm, cô Mai, cô Tuyết mà văn đàn vẫn còn đang choáng váng bình phẩm. Cô Loan của Đoạn Tuyệt, không những vậy, sẽ được trưng dụng như một biểu tượng trong thời điểm xã hội tỏ ra háo hức tìm kiếm các hình mẫu đích đáng để mỗi cá nhân được trú thân, được nhận diện và được trở thành khác biệt.

            Xung đột cũ, mới chỉ có ý nghĩa lớn với những người trẻ tuổi. Nhất Linh chớm 30 tuổi, từng Tây du, Tây học và với vị thế thủ lĩnh Tự Lực văn đoàn vừa có, tự thân đứng vào phe phái mới, không chỉ đấu tranh và loại dần các đối thủ già nua cả về tuổi tác lẫn tri thức mà còn đề đạt cách thức thoát li trật tự xã hội cũ. Học thức, với nghĩa là tiếp cận vốn kiến thức mới, tân tiến, được xem là phương thuốc liều cao để tiêu trừ các chứng tật do hàng mớ thiết chế lỗi thời đang ngấm sâu trong từng gia đình riêng nhỏ đến xã hội rộng lớn. Nhưng bi kịch của người có học thức mới, nhất là phụ nữ, đôi khi nằm ở chỗ là họ đã trở thành kẻ đáng ghét quá nhanh trước con mắt thủ cựu. Phong Hóa mỉa mai điều này: “trong đám phụ nữ tân thời, thảng hoặc cũng có một vài người biết học là để đem cái lẽ phải suy xét, áp dụng vào các việc ở đời […] nhưng mấy người ấy khó mà tìm được người hiểu mình, biết mình. Vì bọn đàn ông bạc bẽo kia lấy vợ thường chỉ là muốn lấy một người… đầu bếp giỏi” (số 18, 20/10/1932). Ta sẽ thấy Loan trong Đoạn Tuyệt đã thấm thía đến chừng nào nỗi khổ của một phụ nữ tân thời có học thức khi bị bủa vây bởi đám người vô học nhưng thừa năng lực tấn công người khác bằng thứ đạo đức giả dối. “Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi đau khổ phải gặp trên đường đời” không phải là lời than oán của Loan dành cho việc mình đã đến trường mà là sự tự tri nhận tác dụng của học vấn, thứ kinh nghiệm mới mẻ giờ đây giúp nàng phân biệt được lẽ đúng sai trong mỗi hành vi, suy nghĩ và bổn phận của mình. Sức mạnh trí tuệ ở Loan, không gì khác, là đã phát hiện, chỉ mặt những tác nhân gây đau khổ, dù đến cùng hay nửa vời, để không rơi vào tình cảnh mê muội chấp nhận mọi phi lí, ngang trái. Để học vấn mới lên ngôi, chỗ đứng của người phụ nữ sẽ rộng hơn rất nhiều so với vị trí con người nạn nhân như trước. Và không có gì hợp lí, thuyết phục cho bằng việc tìm chỗ đứng ấy ngay trong gia đình, nơi người phụ nữ vốn chỉ được đóng vai người sinh nở, hầu hạ gia đình chồng và là đích ngắm cho các sợi dây nghĩa vụ phi nhân thòng vào. Khi tiến đến thang bậc “gái có học”, “gái tân thời”, thì một cách khái quát, Loan gần như song hành với lộ trình lấy phụ nữ làm mục tiêu cải cách xã hội, một sự nghiệp làm nhọc tâm trí của biết bao người trong giai đoạn giao thời. Đứng sau mỗi bước đi ấy, như nhận định của Nhất Linh, chính là phương Tây, “chính người Pháp đã dạy họ những nhẽ lý mới, đã cho họ những quan niệm mới về cuộc đời”. Dĩ nhiên, Nhất Linh không cả tin quá mức vào học thức. Ông hiểu sâu sắc việc “không tạo cho họ một hoàn cảnh phù hợp với quan niệm mới của họ” cũng đồng nghĩa với tội trạng. Tình thế người phụ nữ trực tiếp tham gia hoán cải môi trường sống sẽ làm mất mặt xã hội nam quyền và dự báo trước những chông gai, biến cố khó lường.

2

Đoạn Tuyệt đăng kì đầu tiên trên báo Phong Hóa. Kiểu chữ tiêu đề tác phẩm này được phục nguyên ở bìa Đoạn tuyệt 2016.

            Khác với cô Tố Tâm, Loan không rơi vào cái chết. Tự vẫn lại càng không. Sự khác biệt ấy không chỉ do cái nhìn của hai nhà văn. Nó còn bởi thời đại Nhất Linh đòi hỏi những động thái khác hơn và cũng khó khăn hơn ý định phản kháng bằng quyên sinh. Loan mới và khác chính trong sự so sánh với nam giới (“Học thức mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một đời tự lập, cường tráng”), trong nhận thức cao độ về bản thân (“Tôi không cần ai dạy tôi”; “Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi”). Loan cũng mới và khác khi biết dùng quần áo tối tân, để tóc đường ngôi lệch, nói tiếng Pháp thành thạo, biết tự tay tìm kế sinh nhai. Nhưng Loan còn thực sự tuyệt đối mới và khác trong tình huống “cầm dao đâm chồng”được nhà văn xây dựng như một sự kiện xã hội nổi bật. Báo chí giật tin, phiên tòa xét xử, bị cáo và nạn nhân, kết tội và bào chữa, tất cả, đã tạo thành nguồn dữ liệu đáng tin cậy để tìm hiểu tâm thái thời đại mong muốn, khao khát đả phá những luân lí, tục lệ cũ như thế nào. Con dao vô tình trong tay Loan, hay sức mạnh vô hình của sự phẫn hận, đã làm đổ máu đồng thời cả hai: kẻ lưu giữ những cặn bã đạo đức cũ và người châm ngòi cho những quan niệm tiến bộ mới. Như vậy, sự xung đột cũ-mới, đến thời điểm đó, đã mang màu sắc của sự phân chia lằn ranh mà giới tuyến hoàn toàn có thể là một vết cắt rất sắc, đủ để kết thúc cái này và tạo sinh cái kia. Nhất Linh đã tìm đúng đối tượng cần phải chết là chế độ hôn nhân ép buộc, chế độ đại gia đình, đồng thời trao cơ hội sống, cách sống mới cho những người dám chống đối, nổi loạn. Phiên tòa xét xử rất dụng công của nhà văn thuần túy chỉ là khẩu chiến giữa hai ý hệ cũ – mới nhưng nó quá quan trọng và cần thiết cho số đông nhân quần đang do dự, chần chừ trước các lằn ranh. Phải dứt khoát đoạn tuyệt cái cũ, đó là cử chỉ tỉnh táo duy nhất được cảm phục, biện minh và sáng láng. Tuy thế, đoạn tuyệt chưa bao giờ là dễ dàng. Hãy dừng lại ở chi tiết Loan vẫn phải che giấu danh tính của mình ở đoạn đời sau, đoạn đời mà nàng được là người tự do, tự lập. Tấn công hay cắt lìa cái cũ, cái đã từng ăn sâu vào gốc, dù là để nảy nở những mầm mống mới rất đáng chào đón, vẫn thường xẩy ra sự tự thương bên trong, ngay ở trung tâm tạo sinh căn cước một thời đại. Đoạn tuyệt thời đại cũ hẳn nhiên rất đẹp. Nhưng là vẻ đẹp của cái khó. Liệu có thời đại nào, căn cước nào chỉ cúi đầu chịu báng bổ mà không tự vệ? Huống hồ Loan đã cố vùng thoát căn tính nữ giới truyền thống bằng chính cánh cửa khó khăn nhất dành cho một người phụ nữ: chấp nhận vô sinh như là cách để tránh bi kịch cho thế hệ sau. Không thể cưu mang cái khác (Other), mỗi thời đại văn hóa, như người phụ nữ vô sinh, không thể có một nối tiếp hiện đại và hài hòa.

1

Đoạn Tuyệt 2016. Bìa vẽ cảnh cô Loan trong phòng xử án. Mặt cô Loan 2016 hất lên vẻ thách thức. 

            Đấy cũng là lúc văn học lãng mạn kịp xoa dịu bằng liệu pháp dấn thân xã hội, tình ái hoặc phiêu lưu giang hồ mà nam thanh nữ tú rất ưa bắt chước. Người đọc hôm nay sẽ thắc mắc về cái gọi là “cuộc đời phiêu lưu hoạt động” của Dũng. Nó không những mơ hồ mục đích mà còn luẩn quẩn phạm vi. Nó vừa đại khái nay đây mai đó vừa sơ lược hành trạng. Nhưng Dũng là tiếng gọi tha thiết trong Loan. Nhất Linh đã cố gắng giải thích căn nguyên của việc Dũng “đi tìm cảnh mới lạ” là vì, chẳng hạn, được “cảm thấy tâm hồn của đất nước”. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã hỗ trợ đắc lực cho tình cảm này. Song, dù trưng hết chứng cứ về thái độ gần gũi dân sinh, niềm tin vào sự tiến bộ xã hội, Nhất Linh vẫn lúng túng khi giải quyết mâu thuẫn tâm lí của lớp người trẻ thành thị trước hai “gói” tinh thần cơ bản là yêu đương lí tưởng và mưu cầu nghiệp lớn. Phải đợi vài năm sau, trong Đôi bạn (1939), hậu thân của Đoạn Tuyệt, khi đã nhìn lại hình ảnh lớp thanh niên đi làm cách mạng mà khởi nghĩa Yên Bái là điển hình, Nhất Linh mới đầu tư nhiều hơn vào phân tích nội tâm nhân vật, đặng chứng minh tình cảm cách mạng, ngoài thỏa mãn xúc cảm cá nhân, còn là mối băn khoăn có thực về chí hướng và cách sống, cách sử dụng cuộc đời. Những phân tích đó rất nên đọc lại trong sự thừa nhận rằng đã, nên có mọi cung bậc tâm lí, tính cách trong mẫu hình nhà cách mạng. Có như thế mới loại bớt ác cảm về thứ văn học lãng mạn đã mĩ hóa những yếu đuối, bi quan, phiền não.

            Ta hãy hiểu, một lần nữa, đó là vẻ đẹp của cái khó.

 

1 responses to “ĐOẠN TUYỆT, 80 năm

  1. Pingback: Một ảo tưởng – Đăng Thành·

Bình luận về bài viết này